Đó là anh Nguyễn Thành Luận (26 tuổi, trú ở thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TPTam Kỳ, Quảng Nam).
Biến nhà thành phòng thí nghiệm
Khó khăn lớn nhất bây giờ là đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Giá thành cao, trong khi hàng thật giả lại rất lẫn lộn, muốn đưa hàng đến với số đông khách hàng thì cần khẳng định chất lượng...
Nhâm nhi tách cà phê giữa một chiều tháng 4, Luận cho biết năm 2017, anh tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao TP HCM. Thời gian đầu, cũng như nhiều người, Luận muốn tìm một công việc đúng chuyên ngành của mình. Bỗng “duyên” với đông trùng hạ thảo đến với anh thật bất ngờ…
Có một lần tình đọc trên internet thấy mô hình nuôi trồng dược liệu này, không ngần ngại, Luân cậy cục để nhập giống về thử nghiệm. Đọc thêm tài liệu, chàng trai trẻ mới biết đây là loại dược liệu chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, nhiều công dụng song lại khó nuôi trồng trong điều kiện khí hậu nước ta. “Những thứ khó càng có giá trị thì mình cần phải chinh phục được nó, có như vậy mình mới thực sự thành công. Và tôi đã may mắn…”, Luận nói.
Đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, trên các vùng núi cao 3.000 - 4.000 m so với mực nước biển ở Himalaya, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc... Có trên 600 loài đông trùng hạ thảo nhưng được biết đến nhiều nhất là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris, trong đó Cordyceps Militaris có tính năng vượt trội về dược chất có lợi cho sức khỏe con người. Nấm này đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển.
Luận chia sẻ, đầu năm 2018, anh đã đầu tư máy móc, thiết bị, con giống... với kinh phí gần 100 triệu đồng và dùng tầng 2 của nhà mình để làm phòng thí nghiệm. Ban đầu mọi thứ dường như cực kỳ khó khăn với Luận khi anh không phải “dân chuyên” nên chưa có kinh nghiệm. Chỉ vài tháng sau khi nuôi trồng, số đông trùng hạ thảo chết vì nhiễm bệnh, gây mùi hôi thối, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả gia đình.Luận phải một mình thu dọn vệ sinh, khử trùng lại phòng thí nghiệm và làm lại từ đầu. Bạn bè, người thân thì can ngăn, khuyên anh nên từ bỏ công việc “vô bổ” bởi hy vọng thì nhỏ nhoi mà lại lãng phí quá nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Thế nhưng qua nhiều lần cố gắng, cuối cùng những con giống đầu tiên đã ra đời trong niềm vui củachàng trai trẻ xứ Quảng.
Gặt hái quả ngọt
Theo Luận, cấy giống là khâu quan trọng, nó quyết định thành công hay thất bại của việc nuôi trồng. Trước khi cấy cần lưu ý khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong giá thể. Sau 60 - 70 ngày sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện.
Để thành công với đông trùng hạ thảo, Luận đã phải trải qua nhiều khó khăn. |
Ban đầu, Luận chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Anh cũng lấy dịch lỏng (được pha chế từ gạo lứt, bắp, khoai tây...) cấy giống nấm trên giá thể. Khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C và độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều, phủ kín bề mặt. Chuyển sang xử lý tại phòng kín phải giữ nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Khi chuyển sang phòng nuôi, phải đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C và độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch...
Sau một thời gian kiên trì nghiên cứu, nuôi trồng, mới đây Luận đã gặt hái được quả ngọt đầu tiên với khoảng 1,5 kg thành phẩm. Ngoài việc phơi, sấy khô sản phẩm, anh còn chế biến thành thực phẩm chức năng giúp mọi người dễ sử dụng hơn với giá 1,5 triệu đồng/hũ (gồm 30 gr đông trùng hạ thảo và 30 gr tinh bột nghệ tươi). Số còn lại, anh dùng để ngâm rượu phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, giá bán 400.000 đồng/chai 0,5 lít.
“Khó khăn lớn nhất bây giờ là đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Giá thành cao, trong khi hàng thật giả lại rất lẫn lộn, muốn đưa hàng đến với số đông khách hàng thì cần khẳng định chất lượng. Mình cũng đang ấp ủ ý định nhân rộng mô hình và hi vọng tương lai sẽ thành công với con đường mà mình đã chọn…”, Luận chia sẻ.