Liên quan đến việc “chốt” kế hoạch tăng tải dịp Tết Nguyên đán cho các hãng hàng không với số lượng 1.270 chuyến, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, các chuyến bay ban đêm vẫn còn chưa kịch khung, có những khung giờ ban đêm chỉ có hơn 10 chuyến/giờ. Lý do vì các hãng chưa bố trí khai thác nhiều vào ban đêm.
“Vấn đề không phải là thiếu slot (giờ cất hạ cánh) để tăng mà slot vẫn còn, nhưng có thể không phù hợp với kế hoạch khai thác bay đêm nên các hãng không sử dụng hết”, ông Thanh cho biết.
Trao đổi bên lề tại Hội nghị ổng kết công tác 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của ngành giao thông vào ngày 10/1 vừa qua, theo ông Thanh, các hãng dự tính tăng tổng số chuyến trong dịp Tết này là 2.400 nhưng số chuyến bay muốn tăng đều tập trung vào giờ cao điểm.
Trong khi theo lịch bay thường lệ sân bay Tân Sơn Nhất đã có một số giờ cao điểm khai thác đến 40 và 42 chuyến, sân bay chủ yếu tắc nghẽn vào các giờ này.
Vì vậy, Hội đồng điều phối giờ slot tại cảng hàng không Việt Nam với sự tham gia của tất cả các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, quản lý bay thống nhất giữ nguyên slot các giờ cao điểm như hiện tại, không tạo thêm các giờ cao điểm khác vào dịp Tết mà san các chuyến bay tăng vào các giờ thấp điểm.
Theo đó, các khung giờ ban ngày mà chưa khai thác đến 38 chuyến/giờ thì cho khai thác đến giới hạn này. Còn khung giờ ban đêm bình thường chỉ khai thác 7-10 chuyến thì các chuyến bay tăng được bố trí vào các khung giờ này để đạt đến 28 chuyến.
“Với những khung giờ cao điểm này ngày thường Tân Sơn Nhất đã quá tải rồi, nếu tạo thêm giờ các giờ cao điểm nữa thì có thể gây hỗn loạn, đặc biệt nguyên tắc cao nhất của việc điều phối slot là phải bảo đảm an ninh, an toàn hàng không”, Cục trưởng Cục Hàng không phân tích.
Hội đồng đã phân bổ slot phục vụ các chuyến bay tăng chuyến dịp Tết với tổng số 131 chuyến/ngày tại Tân Sơn Nhất từ 16/1-12/2. Như vậy, có tổng cộng 3.668 slot được phân bổ tăng cho dịp cao điểm Tết gồm 28 ngày nói trên.
“Trên cơ sở thống nhất điều phối của Hội đồng slot, các cãng hàng không đã trình lịch bay với 1.270 chuyến bay tăng chuyến. Đây không phải là quyết định của Cục mà là kế hoạch khai thác của các hãng hàng không và đã được Cục phê duyệt. Việc các hãng hàng không không sử dụng hết 3.600 slot được cấp là quyền chủ động của các hãng, không phải là quyết định của Cục”, ông Thanh khẳng định.
Nhìn nhận lịch phân bổ slot các chuyến bay ban đêm vẫn còn chưa kịch khung, ông Thanh giải thích lý do vì các hãng không bố trí khai thác nhiều vào ban đêm đồng thời cho rằng vấn đề không phải là thiếu slot để tăng mà slot vẫn còn nhưng có thể không phù hợp với kế hoạch khai thác bay đêm nên các hãng không sử dụng hết.
Khẳng định việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là yêu cầu lớn nhất của ngành, ông Thanh cho rằng Cục Hàng không và Cảng vụ hàng không trực tiếp kiểm tra, việc chuẩn bị phải đảm bảo từ phương tiện, trang thiết bị đến con người như phi công, tiếp viên, đơn vị phục vụ mặt đất đến sân bay, bộ phận soi chiếu, đảm bảo an ninh, quản lý điều hành bay.
“Mục tiêu là đảm bảo an ninh an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ. Nếu bây giờ cứ cố nâng chuyến bay giờ cao điểm lên 48-50 chuyến/h gây rối loạn trên bầu trời ai chịu trách nhiệm?”, ông Thanh đưa ra câu hỏi.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa “chốt” kế hoạch tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 với tổng số chuyến bay tăng thêm là 1.270 chuyến trong khi số lượng tăng chuyến bay dịp Tết các hãng đăng ký nhu cầu là trên 2.400 chuyến.
Cụ thể, trong tổng số 1.270 chuyến bay tăng phục vụ dịp cao điểm Tết Nguyên đán (từ 16/1 đến 12/2), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng 380 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 76.758 ghế (tăng 6,3%). Vietjet tăng 560 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 100.800 ghế (tăng 8,9%). Jetstar Pacific tăng 330 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 59.400 ghế (tăng 12,7%).
Trong số 1.065 chuyến bay tăng cường đến và đi từ Tân Sơn Nhất, Vietnam Airlines tăng 340 chuyến (6,8%), Vietjet tăng 560 chuyến (11,5%) và Jetstar Pacific tăng 165 chuyến (13,5%).