Tuy nhiên, cuộc nổi loạn ngắn ngủi này đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội Nga, khi các tay súng Wagner dưới sự chỉ huy của người sáng lập Yevgeny Prigozhin có thể tiến vào thành phố Rostov-on-Don mà không gặp bất kỳ sự phản kháng và tiếp tục tiến hành quân về phía Moscow. Quân đội Nga được cho là chỉ dốc sức bảo vệ thủ đô nước Nga.
Theo thỏa thuận được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov công bố hôm thứ Bảy tuần trước, ông Prigozhin sẽ chuyển tới nước láng giềng Belarus, các cáo buộc âm mưu nổi loạn nhắm vào người đàn ông này cũng được gỡ bỏ.
Chính phủ Nga cũng cho biết họ sẽ không truy tố các tay súng Wagner tham gia vụ việc hy hữu này, trong khi những người không tham gia sẽ được Bộ Quốc phòng ký tiếp hợp đồng. Ông Prigozhin sau khi đạt được thỏa thuận ân xá đã ra lệnh cho đoàn quân của mình trở về căn cứ.
Dù vậy, cho tới sáng Chủ nhật tuần trước, vẫn chưa có tin tức nào về việc ông Prigozhin đến Belarus. Nhiều câu hỏi khác vẫn chưa được trả lời, bao gồm cả việc liệu Prigozhin có bị lưu đày tới Belarus hay không và nếu có thì số phận của ông trùm đánh thuê này sẽ ra sao.
Ông Prigozhin, người từng gây náo loạn dư luận Nga khi liên tục đăng tải các video về cuộc nổi loạn của mình, hiện đột ngột biến mất kể từ khi Điện Kremlin thông báo về thỏa thuận ân xá.
Tổng thống Putin trước đó đã thề sẽ trừng phạt những kẻ đứng sau cuộc nổi loạn vũ trang cuối tuần qua. Trong một bài phát biểu trước toàn quốc trên truyền hình, nhà lãnh đạo Nga gọi đây là hành vi “phản quốc”.
Theo Điện Kremlin, việc để Prigozhin và các lực lượng của ông ta được tự do theo “mục tiêu cao nhất” của Tổng thống Putin là nhằm “tránh đổ máu và đối đầu nội bộ với những kết quả không thể đoán trước”.
Các nhà phân tích hiện đang đánh giá động thái "tha bổng" cho những kẻ phản bội của ông Putin liệu có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay không.
Bình luận trên CNN, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cho rằng vị thế của ông Putin đã bị hạ thấp vĩnh viễn sau cuộc binh biến này.
Đầu ngày thứ Bảy tuần trước, các tay súng Wagner đột ngột xuất hiện tại Rostov-on-Don, một thành phố cách thủ đô Moscow hơn 1.000 km về phía nam, nơi điều hành các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Quân đội Nga trước đó đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng Wagner bằng cách thiết lập các trạm kiểm soát với xe bọc thép và binh sĩ ở rìa phía nam thành phố. Truyền hình nhà nước ở Chechnya đưa tin, khoảng 3.000 binh sĩ Chechnya đã được rút khỏi chiến trường Ukraine và vội vã hành quân tới Rostov vào sáng sớm thứ Bảy.
Khi chỉ còn cách thủ đô Moscow khoảng 200 km, các đoàn xe Wagner đột ngột giảm tốc và quay đầu, sau khi thủ lĩnh Prigozhin đạt được thỏa thuận với chính quyền Putin, tuyên bố rằng ông ta đã quyết định rút lui để tránh đổ máu.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định rằng sự việc này đã “phơi bày những điểm yếu nghiêm trọng” của Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, tổ chức có trụ sở tại Mỹ, cho biết Điện Kremlin đã phải "toát mồ hôi hột" nhằm đưa ra một phản ứng nhất quán đối với cuộc nổi loạn và lý do có thể là bởi quân chủ lực của Nga đang tham chiến tại Ukraine.
“Các tay súng Wagner có thể đã đến ngoại ô Moscow nếu Prigozhin chọn ra lệnh cho họ làm như vậy", Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết.
Kể từ Chủ nhật, các lực lượng chức năng Nga vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát dọc theo đường cao tốc chính nối Moscow và Rostov-on-Don, mặc dù các hạn chế giao thông đang dần được dỡ bỏ ở những nơi khác.
Trước đó, ông Prigozhin đã yêu cầu lật đổ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, người mà Prigozhin từ lâu đã chỉ trích vì làm ngơ việc tiếp tế khí tài cho lực lượng Wagner tại Ukraine.
Nếu ông Putin chấp nhận sa thải Bộ trưởng Shoigu, điều đó có thể gây tổn hại về mặt chính trị cho nhà lãnh đạo Nga sau khi ông coi Prigozhin là kẻ phản bội đâm sau lưng.
Giới tình báo Mỹ trước đó đã nắm được thông tin rằng Wagner đã có các động thái chuẩn bị cho cuộc binh biến kể từ giữa tháng 6. Thông tin này mâu thuẫn với tuyên bố của Prigozhin rằng cuộc nổi loạn của Wagner bắt nguồn từ việc quân đội Nga nổ súng nhắm vào các trại lính Wagner tại Ukraine hôm thứ Sáu.
Khi thông báo về cuộc nổi loạn, ông Prigozhin cáo buộc các lực lượng Nga nhắm mục tiêu vào các trại Wagner ở Ukraine bằng tên lửa, trực thăng vũ trang và pháo binh. Ông Prigozhin cáo buộc rằng Tướng Valery Gerasimov, tư lệnh quân đội Nga tại Ukraine, đã khai mào tấn công sau cuộc họp với Bộ trưởng Shoigu, sau khi cả hai quyết định xóa sổ lực lượng đánh thuê bất ổn này.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã phủ nhận cáo buộc của ông chủ Wagner.
Một động cơ có thể dẫn đến cuộc nổi loạn của Prigozhin là yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga, vốn được Tổng thống Putin ủng hộ, rằng các công ty tư nhân phải ký hợp đồng với quân đội trước ngày 1/7. Ông Prigozhin đã từ chối thực hiện yêu cầu này.
“Có thể ông ta chọn làm binh biến ngay lúc đó vì nhận ra thời hạn 1/7 là mối nguy hiểm đối với việc kiểm soát quân đội của mình”, cựu đại sứ John Herbst chỉ ra.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết thỏa thuận chấm dứt cuộc nổi loạn “rất có thể sẽ loại bỏ Tập đoàn Wagner với tư cách là một tác nhân độc lập do Prigozhin lãnh đạo ở dạng hiện tại, mặc dù các thành phần của tổ chức này có thể tồn tại dưới những khả năng khác".
Binh lính và thiết bị của Wagner hiện vẫn có mặt ở tỉnh Lipetsk, cách thủ đô Moscow khoảng 360 km về phía nam.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin khuyến cáo người dân không nên ra đường vào thứ Hai nhằm đảm bảo an toàn, dù thỏa thuận với Wagner đã được ký kết.
Trong khi đó, người Ukraine hy vọng cuộc đấu đá nội bộ của Nga sẽ tạo cơ hội cho quân đội nước này giành lại lãnh thổ do lực lượng Nga chiếm giữ.
Ông Ben Barry, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Những sự kiện này sẽ mang lại niềm an ủi lớn cho chính phủ và quân đội Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết cuộc binh biến đã phơi bày sự yếu kém trong Điện Kremlin.
Ngoài ra, việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là người đứng ra thương thuyết với Prigozhin cũng sẽ giúp ông nâng cao vị thế trong mắt ông Putin.
Lực lượng Wagner đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đọt Ukraine, chính lực lượng này đã chiếm được thành phố Bakhmut, khu vực diễn ra những trận chiến đẫm máu và lâu dài nhất cuộc xung đột.
Nhưng ông Prigozhin ngày càng chỉ trích quân đội Nga, cáo buộc họ kém cỏi và không cung cấp đạn dược cho Wagner.
Ở tuổi 62 tuổi, ông Prigozhin có mối quan hệ lâu dài với Tổng thống Putin và từng giành được những hợp đồng cung cấp thực phẩm béo bở cho Điện Kremlin, khiến ông có biệt danh là “đầu bếp của Putin”.
Ông trùm Wagner được nhìn thấy rời khỏi trụ sở quân sự ở Rostov vào cuối ngày thứ Bảy trên một chiếc xe thể thao đa dụng. Hiện tung tích của người đàn ông này vẫn còn là bí ẩn.