Đây là động thái tiếp theo nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế hàng đầu thế giới này và có thể làm nóng cuộc đua giữa các nước trong lĩnh vực này.
Rapidus - liên minh gồm các công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản - được chính phủ hậu thuẫn nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất chip 2nm ở nhà máy Hokkaido sớm nhất là vào năm 2027. Chủ tịch Rapidus Tetsuro Higashi cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Tiên tiến (LSTC), một liên minh nghiên cứu bao gồm Rapidus, các viện nghiên cứu quốc gia và trường đại học.
Ngày 9/2, LSTC đã công bố sẽ phát triển công nghệ để thiết kế và sản xuất chip “sau 2 nm” (beyond 2-nanometer) cũng như hệ thống chip cho trí tuệ nhân tạo (AI) dùng trong tự động hóa nhà máy và robot. Hiện nay, Nhật Bản đang bị đánh giá “chậm chân” hơn các đối thủ khi chưa thể sản xuất chip 2nm trong khi các nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đang chạy đua sản xuất loại chip này.
Phát biểu họp báo ngày 11/2, Chủ tịch Rapidus cho biết kinh nghiệm thực hiện các dự án của LSTC sẽ được áp dụng cho các dây chuyền sản xuất hàng loạt và thử nghiệm của công ty. Tuy nhiên, về lâu dài, công nghệ này cũng sẽ hỗ trợ củng cố toàn bộ công nghệ bán dẫn của Nhật Bản.
Cùng ngày, Tokyo thông báo sẽ cung cấp 45 tỷ yen để hỗ trợ các dự án của LSTC. Đây là một phần trong nỗ lực mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho các dự án liên quan đến Rapidus. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ cung cấp hàng trăm tỷ yen cho công ty này.
Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Nhật Bản trong nỗ lực lấy lại vị thế là "cường quốc bán dẫn” toàn cầu trước đây. Rapidus đang tìm cách đi đầu những nỗ lực như vậy và sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu bán dẫn trong nước.