Cuộc sống của người Afghanistan dưới thời Taliban

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi tai mắt của các tay súng Taliban hiện diện ở khắp nơi, cuộc sống của nhiều nữ giáo viên như Mah Jan tại tỉnh Balkh trở nên bất ổn hơn. Đặc biệt là khi chính quyền mới áp đặt lệnh cấm phụ nữ sử dụng điện thoại thông minh.
Một phụ nữ cùng con cái trú ẩn tại trại tị nạn ở Mazar-e Sharif, tỉnh Balkh. Ảnh: AP
Một phụ nữ cùng con cái trú ẩn tại trại tị nạn ở Mazar-e Sharif, tỉnh Balkh. Ảnh: AP

Để theo dõi tin tức, nhiều đồng nghiệp của Mah Jan thường tranh thủ vén chiếc áo trùm đầu burqa để xem điện thoại. Thế nhưng hành vi này không thoát khỏi cặp mắt giám sát của các nhà cầm quyền Taliban.

Không lâu sau đó, họ nhận được thông điệp từ một người lớn tuổi: "Nếu tái phạm các hành vi tương tự một lần nữa, chúng tôi sẽ bắt các người đi".

Cứ mỗi sáng, Mah Jan lại chào tạm biệt gia đình, cô lo sợ tới cuối ngày sẽ không thể gặp lại họ. Khi lãnh thổ của Taliban mở rộng trên khắp đất nước, số lượng thường dân va chạm với các luật lệ hà khắc của chính quyền mới ngày càng gia tăng.

Nhiều người dân tị nạn tới từ những nơi bị chiếm đóng bởi lực lượng nổi dậy cho biết các trường học nữ sinh đã bị đóng cửa, nam thanh niên thì bị ép cầm súng. Đã có không ít gia đình phải phục dịch cho những phần tử hung hãn.

Bức tranh tại những vùng bị Taliban chiếm đóng có thể lặp lại trên toàn lãnh thổ Afghanistan một khi chính quyền tại thủ đô Kabul thất thủ.

Trước khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Afghanistan, chính quyền Taliban đã áp đặt nhiều luật lệ Hồi giáo lên người dân: phụ nữ phải mắc áo chùm đầu burqa, nam giới phải để râu dài. Trong lần trở lại này, Taliban đã áp đặt các lệnh cấm mới nhằm mục đích kiểm soát việc tiếp cận công nghệ của người dân, đặc biệt là phụ nữ.

Từng sống dưới sự cai trị của Taliban trước khi chính quyền này bị lật đổ năm 2001, Mah Jan không lạ gì những quy định hà khắc, thế nhưng cô nhận ra rằng lần trở lại này của Taliban sẽ trở nên khắc nghiệt hơn trước rất nhiều.

Ansari, một phụ nữ trẻ ở tỉnh Balkh, cho biết điện thoại thông minh giờ là đồ cấm, liên lạc với người thân tại nước ngoài hoàn toàn bị cắt đứt, trong khi việc dạy học trực tuyến cũng trở nên hết sức khó khăn.

“Nếu các cô gái độc thân bị phát hiện sử dụng điện thoại thông minh, họ sẽ bị nghi ngờ đang có quan hệ bất chính với người khác giới”, Ansari nói.

Ở mỗi tỉnh nơi Taliban hiện đang kiểm soát, các chỉ huy địa phương sẽ tự ban hành các quy định quản lý người dân khác nhau, để phù hợp với các mối quan hệ giữa cộng đồng và chính quyền mới.

"Một số khu vực, đặc biệt ở nông thôn, đã sẵn có những tư tưởng bảo thủ như không khuyến khích trẻ em gái đi học", chuyên gia Patricia Gossman từ tổ chức Human Rights Watch chỉ ra. "Một số nơi chấp nhận sự cai trị của Taliban vì sợ hãi, trong khi những nơi khác làm như vậy chỉ vì thất vọng với chính quyền tham nhũng."

Các cuộc giao tranh giữa Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan đã làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo của đất nước. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), gần 360.000 người Afghanistan đã phải sơ tán trong năm nay.

Cuộc sống của người Afghanistan dưới thời Taliban ảnh 1

Trại tị nạn nằm sát thành phố Mazar-e Sharif. Ảnh: AP

Hiện có hơn 2.000 gia đình Afghanistan đang tị nạn tại thành phố Mazar-e Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh và là thành phố lớn thứ tư của đất nước. Nhiều người hiện đang sống trong những túp lều bằng bạt nhựa ở rìa thành phố hiện đang bị các tay súng Taliban bao vây.

Vào một buổi sáng nóng như thiêu đốt, khi những đứa trẻ chơi đùa trong khu trại đầy khói bụi, cựu cảnh sát Naimat Samadi kể lại cuộc đụng độ không cân sức với Taliban.

Đơn vị của Samadi được lệnh giải cứu các đồng nghiệp đang bị bao vây tại một tiền đồn ở quận Almar của Faryab, một tỉnh phía tây bắc giáp với Turkmenistan.

Taliban đổ đá xuống đường, chặn đường tiến của lực lượng cứu viện. Một chỉ huy của Samadi ra khỏi xe đã bị bắn bởi một tay súng bắn tỉa. Samadi kéo người này trở lại xe, đóng cửa và chờ quân đội Afghanistan đến giải cứu vào sáng hôm sau.

Nhiều sĩ quan đồng nghiệp của ông đã bị giết. Vài ngày sau, Almar rơi vào tay Taliban.

Samadi chạy trốn đến Mazar-e Sharif sau khi Taliban chiếm làng của anh. Taliban đã ra lệnh cho dân thường phá hủy đồn cảnh sát và lùng bắt những người theo chính quyền cũ.

“Taliban đã phá hủy quê nhà của tôi”, Samadi nói.

Một số người tị nạn cho biết Taliban yêu cầu các gia đình hoặc giao nộp con trai cho họ, hoặc sẽ phải trả tiền coi như thế mạng.

Yar Mohammad Beg, một người đàn ông 65 tuổi, vẫn không quên được cảnh các tay súng Taliban tìm tới nhà ông để tuyển quân.

"Một đứa con trai của tôi đã trốn sang Iran, đứa còn lại cũng đang lẩn trốn khi nghe tin sẽ bị bắt đi lính", ông Beg nói. "Vài năm trước, con tôi gặp tai nạn nên trở thành người tàn tật, nhưng chúng vẫn bắt nó phải cầm súng".

Ông Beg lo sợ phải quay trở lại ngôi làng của mình ở tỉnh Faryab, vì lo ngại Taliban sẽ săn lùng con trai ông. Nhưng ở lại trại tị nạn cũng không phải phương án khả dĩ, tuổi già khiến ông không thể kiếm được một công việc ổn định.

Cuộc sống của người Afghanistan dưới thời Taliban ảnh 2
“Buổi sáng, tôi đi chợ để làm việc. Tôi thường xuyên quay về với cái bụng đói. Những lúc còn lại, tôi chỉ biết ngồi trong bóng tối", ông Beg ngậm ngùi nói. Ảnh: AP

Trong một căn lều được trát bằng bùn, Nader Nabizada - một người cha của 4 đứa trẻ, đặt cô con gái sơ sinh của mình vào lòng. Vợ anh chạy ra khỏi lều khi nghe tin rằng các nhân viên cứu trợ đang phát gạo. Một lúc sau cô trở về tay không.

Nabizada và gia đình đã chạy trốn khỏi quê nhà Khwaja Sabz Posh ở tỉnh Faryab vào tháng 6. Các tay súng Taliban tự ý trưng dụng nhà của dân chúng, còn quân đội chính phủ liên tục nã hỏa lực mà không cần phân loại mục tiêu, không ít dân thường chết lẫn trong số quân nổi dậy.

Nắng nóng mùa hè khiến không khí tại Khwaja Sabz Posh đậm đặc mùi tử khí. Thế nhưng Taliban cấm bất cứ ai chạm vào các thi thể hoặc chôn cất người chết bởi hành vi này trái với quy tắc chôn cất của các chiến binh Hồi giáo. Hỏa táng người chết là điều cấm kỵ đối với các tín đồ đạo Hồi.

Còn với gia đình Nabizada, cảnh tượng tại quê nhà đã để lại ấn tượng đen tối cho cậu con trai 3 tuổi của họ. Trước khi đến trường, cậu bé đã mơ về việc trở thành một tay súng và tiếp tục chu kỳ bạo lực đã kìm hãm sự phát triển của Afghanistan trong nhiều thập kỷ.

Theo The Washington Post
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.