Cuộc thi ảnh 'Góc nhìn người trẻ về Con đường Tơ lụa' 2022

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tổ chức UNESCO kêu gọi những người trẻ từ 14 đến 25 cầm máy ảnh lên và gửi những bức hình đẹp nhất đến cuộc thi “Góc nhìn người trẻ về Con đường Tơ lụa” (UNESCO Youth Eyes on the Silk Roads) lần thứ 4.
Cuộc thi ảnh 'Góc nhìn người trẻ về Con đường Tơ lụa' 2022

Cuộc thi ảnh quốc tế “Góc nhìn người trẻ về Con đường Tơ lụa” được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Con đường tơ Lụa với Ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn của UNESCO. Cuộc thi khuyến khích sử dụng nhiếp ảnh nhằm mở rộng những tương tác văn hóa, xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy hòa bình giữa các nhóm dân cư sống trong khu vực được kết nối bởi Con đường Tơ lụa.

Tiếp nối thành công của ba lần tổ chức trước, cuộc thi năm nay lựa chọn hai chủ đề là “Đức tin và Tâm linh” và “Chung sống”. Người dự thi có thể lựa chọn một trong hai chủ đề trên, đồng thời tập trung vào những ảnh hưởng chung được chia sẻ bởi người dân sống dọc theo Con đường Tơ lụa.

“Đức tin và Tâm linh”

Đức tin, có thể hiểu đơn giản, là một tín ngưỡng mạnh mẽ hay niềm tin tâm linh. Tuy nhiên, định nghĩa chính xác của nó có sự khác biệt giữa các truyền thống trên thế giới. Cùng với nhau, đức tin và tâm linh liên quan đến vô vàn cách con người hiểu biết về thế giới và nhận thức vị trí của mình trong đó, thông qua niềm tin, giá trị, biểu hiện và nghi lễ.

Lịch sử lâu đời của các cuộc gặp gỡ, trao đổi dọc theo Con đường Tơ lụa được chú ý bởi nhiều lý do. Trong đó có sự xuất hiện và cùng tồn tại của một số tín ngưỡng lớn trên thế giới, như Hỏa giáo, Phật giáo, Mani giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Các tín ngưỡng có sự giao lưu với nhau khi theo con người và hàng hóa di chuyển dọc những tuyến đường thương mại lịch sử này.

Kết quả, các khu vực rộng lớn nằm trên Con đường Tơ lụa trở thành không gian tâm linh sôi động, trong đó các tín ngưỡng, huyền thoại và nghi lễ được truyền bá, ảnh hưởng lẫn nhau và thể hiện các yếu tố lai tạp.

Dọc theo Con đường Tơ lụa ngày nay, bằng chứng về lịch sử giao thoa phong phú và đa dạng này có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi. Đối với chủ đề cuộc thi “Góc nhìn người trẻ về Con đường Tơ lụa” lần thứ 4, các nhiếp ảnh gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về di sản chung của đức tin và tâm linh cũng như sự liên quan của nó trong thế giới đương đại.

Một số ví dụ mà các nhiếp ảnh gia có thể lấy cảm hứng bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Kiến trúc tôn giáo và đài tưởng niệm; Vai trò của đức tin và tâm linh trong cuộc sống thường nhật, bao gồm những lễ hội, nghi lễ tôn giáo và các lễ kỉ niệm; Các tuyến đường hành hương,...

“Chung sống”

Con đường Tơ lụa là nơi mang đến nhiều cơ hội để mọi người tương tác, tụ họp và chung sống với nhau trong cả quãng thời gian dài hay ngắn. Các thành phố lớn dọc theo Con đường Tơ lụa là những trung tâm quan trọng, thể hiện tư tưởng "sống cùng nhau".

Trong các thành phố, bạn sẽ không chỉ nhìn thấy những thương gia và khách du lịch mà còn cả cộng đồng những người định cư dọc theo các tuyến đường này cùng chung sống. Từ Xi’an ở Trung Quốc đến Samarkand ở Uzbekistan, từ Delhi ở Ấn Độ đến Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, và từ Jeddah ở Ả Rập Xê-út đến Venice ở Ý, các thành phố đã xây dựng các bến cảng và khu chợ nối liền các tuyến đường thương mại và tạo động lực cho chúng phát triển.

Sau nhiều tuần liên tục đi khắp các sa mạc và vùng biển khắc nghiệt, du khách nghỉ ngơi, mua bán tại các thành phố. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội gặp gỡ với những lữ khách khác, trao đổi không chỉ của cải vật chất mà còn cả kỹ năng, phong tục, ngôn ngữ và tư tưởng.

Bằng cách này, theo thời gian, nhiều thành phố dọc theo Con đường Tơ lụa đã thu hút các học giả, triết gia, nhà thần học, nghệ sĩ và thợ thủ công. Do đó chúng trở thành những trung tâm lớn để trao đổi văn hóa và tri thức, hình thành nên các nền văn minh.

Ngày nay, các xã hội hiện đại đa văn hóa có các cộng đồng dân tộc và tôn giáo đa dạng là minh chứng cho di sản của Con đường tơ lụa về sự tương tác và chung sống hòa hợp, bình yên.

Trong thế giới đương đại, sức mạnh và di sản chung của Con đường Tơ lụa là một lời nhắc nhở về nhu cầu đối thoại, hợp tác, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng hòa bình và phát triển bền vững. Đây là tất cả các yếu tố chính của chủ đề lần thứ 4 của “Chung sống”.

Đối với chủ đề “Chung sống”, các nhiếp ảnh gia có thể chụp các buổi tụ họp giữa cộng đồng và đa văn hóa nhân dịp lễ kỉ niệm, lễ hội, hoặc các dịp trọng đại đánh dấu trong cuộc sống; Những khoảnh khắc đời thường từ cuộc sống hàng ngày trong các xã hội đa dạng văn hóa;...

Cuộc thi được chia thành hai nhóm tuổi: 14 - 17 tuổi và 18 - 25 tuổi. Ba người chiến thắng sẽ được chọn từ mỗi nhóm tuổi. Người đoạt giải nhất sẽ nhận được một máy ảnh chuyên nghiệp. Người đoạt giải nhì sẽ nhận được một máy ảnh bán chuyên nghiệp và giải ba là một máy ảnh kĩ thuật số tiêu chuẩn.

Ngoài ra, khoảng 60 bức ảnh đẹp nhất từ cuộc thi sẽ được xuất hiện trong một album ảnh chuyên nghiệp và trưng bày trong một cuộc triển lãm được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới.

Những tác phẩm dự thi sẽ được kiểm định bởi Hội đồng Tuyển chọn Quốc tế, bao gồm Nhiếp ảnh gia Nada Harib (Libya), Nhiếp ảnh gia phóng sự Natela Grigalashvili (Georgia), Nhiếp ảnh gia A Yin (Trung Quốc), Nhà báo và chuyên gia chỉnh sửa ảnh Marco Pinna (Ý), Nhiếp ảnh gia và Nhà thiết kế thời trang Eyer Jerusalem Jirenga (Ethiopia).

Theo UNESCO
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...
Ảnh minh hoạ.
Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
(Ngày Nay) - Trong khảo sát mới đây về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện đối với trên 2.700 doanh nghiệp cho thấy, có tới 44,2% doanh nghiệp có khó khăn trong tìm ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.