Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội vừa mổ cấp cứu, cứu sống một trường hợp có thai "làm tổ" trên vết mổ đẻ cũ.
Theo đó, bệnh nhân 36 tuổi ở Lương Sơn, Hòa Bình, chửa tại vết mổ đẻ cũ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu trong ổ bụng.
Bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lan, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết cho biết: Qua thăm khám và siêu âm, các bác sĩ bệnh viện nhận định, đây là ca bệnh khó và phức tạp bởi trước đó bệnh nhân đã mổ đẻ 2 lần. Để cấp cứu kịp thời, bệnh nhân được chuyển gấp tới đến phòng hồi sức, siêu âm và chuyển thẳng phòng mổ cấp cứu.
“Khi mổ tử cung áp sát cơ bàng quang, các bác sĩ đã tiến hành bóc tách giữa gai rau bàng quang để cắt toàn bộ khối chửa và cắt bán phần thấp để lại cổ tử cung, ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng; bệnh nhân được truyền 5 đơn vị máu. Đây là trường hợp vô cùng hy hữu và may mắn vì bệnh nhân vị sốc, mất nhiều máu đã được cấp cứu kịp thời”, bác sỹ Lan chia sẻ.
Theo bác sỹ Lan, thai đậu trên vết mổ cũ rất nguy hiểm. Đây là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng. Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung và lớp cơ tử cung đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, vì một lý do bất thường nào đó, trứng lại “mắc kẹt” ở eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ trước và phát triển thành túi thai. Túi thai này trong quá trình sinh trưởng sẽ bám vào cơ tử cung. Do lớp cơ này mỏng nên các gai ở bánh nhau có thể xuyên vào bàng quang gây tổn thương bàng quang làm cho tử cung dễ bị vỡ. Không chỉ vậy, do mô sẹo không thể co giãn và mềm mại bằng mô thường nên nếu thai làm tổ ở đây, nó dễ làm rách vết mổ gây ra bị sảy thai.
Có mặt ở phòng hậu phẫu, bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, khi mang bầu chị không hề hay biết. Mấy hôm đi làm chị có biểu hiện đau bụng nhưng cứ nghĩ là đau bụng thông thường nên vẫn đi làm bình thường. Trong lúc đang làm chị thấy máu ào ra rất nhiều. Được mọi người đưa vào trạm xá cầm máu nhưng không đỡ và chị được đưa tới Bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu.
Bác sỹ Lan cảnh báo, những người đã từng sinh mổ, khi có thai lại, cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai nhằm loại bỏ trường hợp chửa tại vết đẻ mổ cũ, rất nguy hiểm. Đặc biệt với những trường hợp đi khám thai nếu phát hiện có túi ối ở vị trí bất thường thì cần phải siêu âm bằng doppler và phải hội chẩn với những người có kinh nghiệm để hạn chế nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
Theo PLXH