Báo cáo an ninh lương thực và dinh dưỡng hàng năm của Liên Hợp Quốc tổng hợp cho biết tình trạng suy thoái kinh tế do hậu quả của các biện pháp phòng dịch đã góp phần thúc đẩy nạn đói trên thế giới.
Mặc dù chưa thể xác định toàn bộ tác động của đại dịch, nhưng báo cáo ước tính có khoảng 118 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020 so với năm 2019.
“Gần 1/3 người trên thế giới (2,37 tỷ người) không được tiếp cận với đầy đủ nguồn lương thực vào năm 2020, tăng gần 320 triệu người chỉ trong một năm”, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Nạn đói ngày càng gia tăng do suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhưng tác động lớn nhất là ở những quốc gia có những thảm họa hoặc xung đột liên quan đến khí hậu, hoặc cả hai.
Theo ông Dominique Burgeon, Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ở một số nước, "đặc biệt là những nước nghèo nhất", các biện pháp phòng dịch đã cản trở lưu thông hàng hóa và đẩy người nông dân rơi vào cảnh nghèo đói do không thể tự tiêu thụ nông sản.
"Trong khi đó, tại các thành phố, nguồn cung gặp khó khăn đồng nghĩa với việc giá cả gia tăng", ông Burgeon chỉ ra.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Đáng báo động hơn, đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng hình thành trong hệ thống lương thực của chúng ta trong những năm gần đây do các nguyên nhân chính như xung đột, biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan, đồng thời kinh tế phát triển chậm lại và suy thoái".
Tuy nhiên, các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết có một cơ hội duy nhất để đảo ngược tình hình trong năm nay, nhờ vào hai hội nghị thượng đỉnh về thực phẩm và dinh dưỡng lớn cùng với cuộc họp COP26 về biến đổi khí hậu.
"Trong một thế giới thừa thãi, chúng ta không có lý do gì để hàng tỷ người không được tiếp cận với một chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là điều không thể chấp nhận được", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố.