Đại gia Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Là anh cả trong gia đình nghèo có 4 anh em, mới 8 tuổi Trầm Bê đã phải đi ở đợ cho nhà giàu để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hàng ngày, cậu bé nhỏ con chăn một đàn vịt tàu.
Tuy công việc vất vả nhưng với bản tính ham học nên cậu bé thường hay lui tới ngoài cửa lớp để học lỏm. Nhà nghèo nên Trầm Bê thường không được đến trường, cô giáo dạy học ở lớp cảm thương cho cậu bé nghèo nên đã cho cậu vào lớp ngồi học cùng các bạn. Vừa đi học lại vừa phải đi làm nên cậu học thất thường, không được thường xuyên dự lớp. Nhưng được cái sáng dạ nên Trầm Bê học rất nhanh, cô dạy qua vài lần là đã thuộc hết mặt chữ.
Suốt tuổi thơ ở Trà Vinh cơ cực kiếm ăn hằng ngày cũng không đủ sống, năm ông 13 tuổi phải theo mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Ngày đó, đến cả tiền đi xe hai má con ông cũng không có, họ phải năn nỉ xin nhờ chủ xe đò cho đi quá giang. Lên đến Sài Gòn, ông tiếp tục đi ở đợ cho một nhà giàu. Lớn lên một chút, ông xin đi làm bốc vác ở một nhà máy bột mì, bán sức khỏe kiếm tiền nuôi mẹ.
Trong những năm nghèo khó ấy, Trầm Bê đầu tư vào bất động sản với bản tính thông minh và chăm chỉ, chẳng mấy chốc mà ông đã trở nên giàu có và nổi tiếng khắp cả nước.
Đại gia Trầm Bê - người có sức ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống ngân hàng trong nước. |
Ông bắt đầu bước chân vào thương trường với cương vị Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991 - 1994) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty (1995 - 2001). Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông bắt đầu tham gia thị trường bất động sản bằng việc đầu tư 13% vốn vào Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với chức vụ thành viên HĐQT (1999). Vào thị trường đúng thời điểm bùng nổ, với 10 năm kinh nghiệm, công ty của ông Trầm Bê vượt qua được những thời kỳ đen tối nhất, BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra.
Ngay cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, trong khi nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, doanh nghiệp này đã có kết quả kinh doanh khá khả quan, với mức tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36% trong năm tài chính 2009-2010.
Ngoài bất động sản, doanh nhân 55 tuổi này còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa có quy mô lớn nhất cả nước (bệnh viện Thuận An) và công ty chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn.
Sau này, ông còn giữ cổ phần chi phối tại công ty Xây dựng Hàm Giang, đơn vị từng bỏ ra tới 60 triệu USD để mua lại khu trung tâm thương mại châu Á lớn nhất tại Mỹ, là Cupertino Square (San Jose, California).
Sau đó, ông đã lần lượt đưa các con của mình là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư.
Năm 2004, Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam.
Trong giai đoạn này, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và đạt đỉnh điểm vào năm 2007. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn đạt 36,5% và tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 34% so với năm 2006. Ngân hàng này đã đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỉ đồng trong năm 2007.
Từ vị trí là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam, Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Đồng thời, ông gia tăng tỉ lệ sở hữu của mình và các con tại ngân hàng này lên mức 17,5% (tính đến tháng 9/2011). Trong đó, ông Trầm Bê nắm giữ 8,36%, bà Kiều 7,36% và ông Ngân 1,86%.
Đại gia Trầm Bê là một người khá kín tiếng, rất ít Việt biết đến tên tuổi của vị đại gia miền Đông Nam Bộ. Chỉ đến khi vụ việc con trai cả của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc và bị đòi tiền chuộc lên tới 10 triệu USD, tương đương 160 tỷ đồng vào thời điển trước năm 2005, lúc đó độ giàu có của gia đình họ Trầm mới dần dần được hé lộ.
Qua những vụ việc nổi đình nổi đám liên quan tới khối tài sản của đại gia Trầm Bê, người đời còn phải thán phục trước tầm ảnh hưởng của ông trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ ảnh hướng lớn lượng cổ phiếu tại các ngân hàng Sacombank và Phương Nam do ông và gia đình nắm giữ, đến những ảnh hưởng và đóng góp của ông trong việc giữ vững vị thế của các tổ chức tài chính lớn này vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
Warren Buffett đánh rơi vị trí người giàu thứ 2 thế giới vào tay ông chủ Zara
“Vượt mặt” tỷ phú Slim, ông chủ Zara giành ngôi người giàu thứ 3 thế giới
Triệu phú Pháp gốc Việt 'mua đứt' khách sạn 200 triệu Euro giữa Paris