Theo báo cáo của LHQ về triển vọng dân số thế giới được công bố vào tháng trước, dân số toàn cầu hiện ở mức 8,2 tỷ người, dự kiến sẽ đạt khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080, sau đó giảm dần xuống còn khoảng 10,2 tỷ người vào cuối thế kỷ 21.
Con số này cho thấy dân số đạt đỉnh sớm hơn so với báo cáo năm 2022, khi đó dự báo dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức này cho đến năm 2100.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua cho biết, ở một số quốc gia, tỷ lệ sinh hiện thậm chí còn thấp hơn dự đoán trước đây, đồng thời chứng kiến tốc độ suy giảm nhanh hơn ở một số khu vực có tỷ lệ sinh cao.
Số liệu cho thấy tại hơn một nửa số quốc gia và khu vực, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là dưới 2,1 con/người. LHQ cho biết đây là mức cần thiết để duy trì quy mô dân số trong thời gian dài mà không cần di cư. Khoảng 20% quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha, có tỷ lệ này là dưới 1,4 con/người.
Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý tới trường hợp ở Trung Quốc, khi nước này được cho là sẽ chứng kiến sự suy giảm dân số nghiêm trọng, giảm từ 1,4 tỷ dân vào năm 2024 xuống còn 633,4 triệu người vào năm 2100. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Ấn Độ, nơi dự kiến sẽ có khoảng 1,5 tỷ người vào cuối thế kỷ.
Tính đến năm 2024, có 63 quốc gia và khu vực, trong đó có Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Nga, đã đạt đến đỉnh cao dân số với tổng dân số ước tính sẽ giảm 14% trong 30 năm tới. Đối với 48 quốc gia khác, trong đó có Brazil, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dân số có thể đạt đỉnh trong khoảng từ năm 2025 đến năm 2054. 126 quốc gia còn lại, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Mỹ, dân số dự kiến sẽ đạt đỉnh vào nửa sau của thế kỷ hoặc muộn hơn.
Ông Li Junhua cũng chỉ ra rằng việc dân số đạt đỉnh sớm hơn và thấp hơn là "một dấu hiệu đáng mừng", do mức tiêu thụ của con người giảm có thể dẫn đến việc giảm tác động tiêu cực lên môi trường.