Đây là kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu, do cơ quan nghiên cứu xã hội hàng đầu của Singapore Blackbox Research và công ty Toluna thuộc Tập đoàn ITWP chuyên thu thập dữ liệu nghiên cứu thị trường tiến hành. Cuộc khảo sát nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại 23 nước và vùng lãnh thổ đối với các nỗ lực của chính phủ nước mình trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo kết quả khảo sát trên, với sự chuẩn bị kỹ càng, tích cực, chủ động vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, người dân Việt Nam đã rất hài lòng và tin tưởng vào các biện pháp của chính phủ trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Một yếu tố góp phần giúp Việt Nam xếp thứ hạng cao trong cuộc khảo sát đó là có tới 94% người dân Việt Nam được hỏi cho biết việc duy trì thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh đã giúp người dân đặt trọn niềm tin vào chính phủ.
Ông David Black (Đa-vít Blách), nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Blackbox Research, khẳng định chỉ số đáng ấn tượng mà Việt Nam đạt được phản ánh hiệu quả các biện pháp quyết liệt và mau lẹ của chính phủ nhằm khống chế dịch bệnh cũng như việc cung cấp thông tin thường xuyên, minh bạch về tình hình dịch bệnh cho công chúng. Theo ông, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 đã làm tăng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt khi so sánh với các nước khác, vốn đang gặp khó khăn trong việc xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và giải quyết những ổ lây nhiễm mới.
Người đứng đầu Blackbox Research nêu rõ: "Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ theo dõi chặt chẽ Việt Nam khi nước này bước vào giai đoạn bình thường và tái khởi động nền kinh tế - vốn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây".
Trong bối cảnh các nền kinh tế trên khắp thế giới đều "điêu đứng" do những tác động của dịch COVID-19 khi phải áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh, sự đóng góp của các doanh nghiệp tại Việt Nam cao hơn tại các nước khác. Theo ông Black, trong khi người dân tại các nước cho rằng các doanh nghiệp chưa thể hiện đủ vai trò đối với đất nước, thì tại Việt Nam, người dân đều nhận thấy rõ những đóng góp của các doanh nghiệp trong việc giúp người lao động của mình và cả cộng đồng.
Theo cuộc khảo sát trên, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng với 88 điểm trong khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ cùng đứng thứ 3 (59 điểm). New Zealand là quốc gia phương Tây duy nhất có chỉ số cao hơn mức trung bình toàn cầu.