“Nó giống như một sự đánh giá về độ nam tính của một người đàn ông”, ông Glenn Barden (48 tuổi) – Giám đốc một đài truyền hình từ London, Anh, chia sẻ. “Thất bại khi không thể trở thành một người cha khiến bạn không còn đủ tự tin để trở thành một người đàn ông đúng nghĩa”.
Hơn 10 năm qua, Barden đã cố gắng có một đứa con, nhưng hết thất bại này tới thất bại khác khiến ông cảm thấy nản lòng và đôi khi rơi nước mắt. “Hầu như tôi chỉ muốn trốn trong phòng ngủ”.
Khi đi khám, các bác sĩ kết luận chất lượng tinh trùng của Barden không có vấn đề gì. Mặc dù ông luôn ý thức sống lành mạnh, không uống rượu, ngừng hút thuốc, mặc đồ lót rộng và làm theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng tất cả đều vô ích khi vợ chồng ông không thể có được một đứa con. Barden cảm thấy như mình đang thiếu hụt một phần đàn ông trong cơ thể. Áp lực khiến ông tuyệt vọng, ghen tị và tức giận với bản thân.
Barden hồi tưởng về những lần thất thần đi đến các phòng khám, rồi lo lắng khi chờ đợi nghe kết luận chất lượng tinh trùng của mình, sau đó hồi hộp nghe tin từ vợ mình. “Tôi từng có mong muốn tệ hại rằng các bác sĩ sẽ kết luận vấn đề không phải từ phía tôi mà là do phía vợ mình” - Barden kể lại.
Đối với Gareth Down – nỗi đau còn nan giải hơn. Ở tuổi 21, anh đã kết hôn và sau một thời gian cố gắng nhưng không có con, anh đã làm xét nghiệm tinh dịch. “Bác sĩ nói với tôi: ‘Anh không có tinh trùng. Anh không thể có một gia đình hoàn chỉnh”. Cuộc gọi chỉ diễn ra có 5 phút. Bác sĩ biết tôi đang làm việc nhưng ông ta đã không cân nhắc về điều này và nhanh chóng dập máy sau khi thông báo kết quả. Không có lời đề nghị nào về việc gặp mặt tư vấn, giúp đỡ cho trường hợp của tôi”, Down cho biết.
Bất bình đẳng
Barden và Down là những trường hợp điển hình của tình trạng nam giới bị bỏ mặc khi bị kết luận vô sinh.
Một nghiên cứu toàn diện được công bố vào năm 2017 bởi Đại học Do Thái Jerusalem cho thấy số lượng tinh trùng ở đàn ông đã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua. Đã có một số nghiên cứu khác có kết luận tương tự, nhưng đây là nghiên cứu lớn nhất. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, có đến 1/5 nam thanh niên có mật độ tinh trùng thấp, và khoảng 1/2 là dưới mức tối ưu.
“Tôi không thích dùng từ “khủng hoảng”, nhưng tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng vấn đề chưa được giải quyết đúng đắn” - ông Richard Sharpe, Giáo sư ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của Đại học Edinburgh và là một trong những cơ quan hàng đầu thế giới về vô sinh nam cho biết.
Số lượng tinh trùng của thanh niên thay đổi rất lớn, từ 0-250 triệu tinh trùng/ml. Trên 40 triệu/ml đã có rất ít khả năng sinh sản, nhưng nếu dưới con số đó, khả năng sinh sản bị giảm mạnh. Theo WHO, số lượng dưới 15 triệu/ml là thấp, hay còn được định nghĩa là chứng oligozoospermia (suy giảm tinh trùng) - có nghĩa là khó có khả năng thụ thai và càng về gần 0 thì khả năng càng giảm.
Một nghiên cứu tại Đại học Edinburgh cho thấy số lượng tinh trùng ở nam giới giảm từ trung bình 100 triệu/ml vào năm 1950 xuống còn 50 triệu/ml vào năm 1990. Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Pháp cho thấy mức độ tinh trùng khỏe mạnh đã giảm 2% mỗi năm. Những con số này sẽ không khỏi khiến nhiều người liên tưởng về một viễn cảnh tận thế trong tương lai, khi con người mất khả năng sinh sản.
Vô sinh nam chiếm khoảng một nửa trong số ca vô sinh, nhưng khả năng sinh sản và các vấn đề về vô sinh phần lớn lại đổ dồn về phía phụ nữ. Trong khi phụ nữ có bác sĩ phụ khoa và bác sĩ sản khoa - các chuyên gia được đào tạo về sinh sản nữ, thì nam giới hiếm khi được tư vấn đầy đủ.
“Một điều đáng chú ý về ART (công nghệ hỗ trợ sinh sản) là ngay cả khi đã có kết luận vấn đề từ phía người chồng, nhưng người vợ lại là đối tượng được điều trị, điều này không hề bình đẳng” - giáo sư Sharpe cho biết.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng sự suy giảm khả năng sinh sản là có thật, nhưng không ai thực sự có một ý tưởng rõ ràng về nguyên nhân gây ra vấn đề. Đã có một số giả thuyết được đưa ra như tình trạng béo phì, thói quen hút thuốc, lối sống căng thẳng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh trùng của nam giới. Tuy nhiên, theo ông Allan Pacey- Giáo sư chuyên về sức khỏe nam giới tại Đại học Sheffield của Anh cho biết tất cả những nghi vấn trên không hề có căn cứ cụ thể.
Vị học giả này hoài nghi về khả năng sinh sản của nam giới giảm. Ông đặt câu hỏi về tính chính xác của các nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu so sánh với thống kê trước đó, khi các kỹ thuật kém phát triển và kết quả kém tin cậy hơn. Ông cũng chỉ ra rằng số lượng tinh trùng có thể giảm một cách lâu dài mà không ảnh hưởng đến hầu hết khả năng sinh sản của đàn ông.
“Nhưng có một cuộc khủng hoảng đang manh nha phát triển”, ông Pacey chỉ ra. “Nguyên nhân có thể đến từ lối sống hiện đại, khi các cặp vợ chồng kết hôn muộn, thay vì cho rằng chất lượng tinh trùng của nam giới ngày càng suy giảm”.
Tuy nhiên, Giáo sư Pacey cũng thừa nhận rằng có bằng chứng thuyết phục cho thấy các yếu tố môi trường liên quan đến khả năng sinh sản.
“Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng hiếm muộn. Nghiên cứu của Sharpe cho thấy có sự gián đoạn testosterone sớm ở thai nhi đang phát triển. Lý thuyết đó có vẻ thuyết phục. Một ví dụ là phụ nữ mang thai dùng paracetamol trong khi mang thai và paracetamol đi qua nhau thai có thể gây ra vấn đề, hoặc các hợp chất có trong trang điểm, dầu gội? Không ai biết câu trả lời thực sự”, ông Pacey nhận định.
Bà Sheryl Homa – Giám đốc điều hành phòng khám nam khoa duy nhất được cấp phép ở London, cho biết bà đã bị sốc về việc ít chú ý đến vô sinh nam.
Nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nam bắt nguồn từ chứng giãn tĩnh mạch tinh (varicocele). Khoảng 40% đàn ông vô sinh do mắc varicocele, mặc dù nó không làm suy giảm khả năng sinh sản khi 15% đàn ông có khả năng sinh sản cũng bị varicocele.
Chứng varicocele có thể được phát hiện khi đi khám sức khỏe hay siêu âm. Nhưng phương pháp siêu âm, vốn là tiêu chuẩn trong xét nghiệm vô sinh nữ, rất hiếm khi được sử dụng trên nam giới. Thay vào đó, việc chẩn đoán trên nam giới hiếm khi vượt quá phương pháp phân tích tinh dịch đồ.
Phân tích tinh dịch đồ cung cấp thông tin cơ bản về số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng. Đây là những yếu tố quan trọng, và thiếu một trong hai có thể dẫn đến vô sinh. “Có một quan niệm sai lầm lớn về giá trị của phân tích tinh dịch đồ rằng nếu các thông số ở ngưỡng bình thường thì người đàn ông vẫn ổn. Các xét nghiệm này vẫn chưa đủ tin cậy để chỉ ra vấn đề thực sự”.
Homa tin rằng các xét nghiệm sâu hơn, như đánh giá căng thẳng oxy hóa và xét nghiệm phân mảnh DNA, có thể cho thấy thiệt hại đối với tinh trùng nhưng không được chỉ ra trong phân tích tinh dịch, nên được sử dụng rộng rãi hơn. Và cũng giống như phụ nữ được giới thiệu đến bác sĩ phụ khoa khi được điều trị về khả năng sinh sản, thì đàn ông nên gặp bác sĩ tư vấn chuyên khoa tiết niệu để được tư vấn.
“Phân tích tinh trùng là một công cụ không hoàn hảo”, Giáo sư Sharpe cùng chung với nhận định này. “Nếu bạn có một số lượng (tinh trùng) bình thường, hoặc thậm chí cao, điều này không đảm bảo rằng bạn có khả năng sinh sản ngược lại”.
Những vết thương hằn sâu trong tâm trí
Cả Barden và Down đều thú nhận phải tỏ ra bình tĩnh trước mặt vợ mình khi cùng đi tới phòng khám. “Những lần tái khám và kiểm tra đã hủy hoại những năm tháng thanh niên của tôi. Tôi cảm thấy cực kỳ tuyệt vọng”, ông Barden thú nhận.
Người đàn ông này không thể chịu đựng được khi xung quanh mình là bạn bè và con cái của họ. Do không thể chia sẻ với ai khác, ông có xu hướng né tránh người ngoài và viết lại những suy nghĩ của mình qua cuốn tiểu thuyết có tiêu đề “Những chiến binh nhỏ bé của tôi”.
“Sự thất bại để làm cha đã ăn mòn chính bản thân tôi. Những người bạn nói với tôi rằng cơ thể tôi bị áp lực do khát vọng nhanh chóng muốn có con. Tôi đã không muốn nói về điều này với bất cứ ai. Khi đi ngang qua những đứa trẻ đang chơi trong công viên, tôi cảm thấy trái tim mình tan vỡ thành những mảnh nhỏ”.
Đối với Down, việc những người anh em trong gia đình khiến vợ chồng anh hứng chịu không ít áp lực. “Nhà tôi có tới 7 đứa trẻ trong khi vợ chồng tôi thì đang cố gắng để sinh con. Đó là một điều rất khó khăn. Gia đình chúng tôi nhiều khi xảy ra mâu thuẫn”, Down chia sẻ.
Do không có tinh trùng, Down đã phải trải qua một cuộc kiểm tra nhiễm sắc thể để xác định giới tính thật của mình. “Bạn có thể có tất cả mọi bộ phận của một người đàn ông và vẫn có một hỗn hợp nhiễm sắc thể nữ. Tôi đã là đàn ông suốt 21 năm, thật sự rất sốc khi tôi phải đi xét nghiệm lại bản thân”.
Sự kỳ vọng ngày càng tăng đi kèm với nỗi thất vọng sau những lần thất bại đã gây ra căng thẳng lớn cho hôn nhân của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Barden tin rằng quá trình này đã đưa ông và vợ mình đến gần nhau hơn, sau 7 năm chữa trị, cuối cùng cặp đôi này đã được hưởng niềm hạnh phúc.
“Chúng tôi có một cô con gái. Cả hai thực sự cảm thấy may mắn và đồng cảm cho những người khác. Tôi muốn tiếp tục có con nhưng vợ tôi kiên quyết rằng cô ấy sẽ không làm điều đó thêm một lần nào nữa”, Barden chia sẻ.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mọi thứ có thể đã diễn ra rất khác nếu không có con. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi không thể có một đứa con, cuộc hôn nhân này rồi sẽ đổ vỡ”.
Down và vợ mình cũng đã nhiều lần nản lòng và vợ anh có lúc từ bỏ ý định có con. Người chồng sau đó đã phải thuyết phục vợ mình thử lần cuối và phép màu cũng xuất hiện, vợ chồng anh có một bé trai.
Nhưng cuộc hôn nhân của họ đã chấm dứt. Cả hai chia tay khi cậu con trai mới chỉ 2 tuổi, do bất đồng về chuyện sinh thêm con, Down thì từ bỏ việc có thêm con, trong khi vợ cũ của anh muốn nhiều hơn nữa.
Down cho rằng mình không còn đủ sức mạnh để vượt qua mọi thứ thêm một lần nào nữa, hiện cặp đôi này đã sống riêng và có quyền nuôi con chung. Anh cho biết mình không lo lắng liệu đứa con này có thực sự là con đẻ của mình : “Di truyền không khiến bạn thực sự trở thành một người cha. Mà là cách bạn có mặt trong cuộc đời của đứa trẻ”.
Khả năng sinh sản của nam giới vẫn luôn bị coi là điều gì đó nhạy cảm. Nhưng tất cả các chuyên gia và người trong cuộc đều đồng ý về một điều: Sự cần thiết phải thay đổi thái độ của xã hội. Đối với các nhà khoa học như Sharpe và Homa, mức độ nghiên cứu cần thiết để hiểu những bí ẩn về khả năng sinh sản của nam giới sẽ không xảy ra nếu không có áp lực xã hội.
Đối với Down và Barden, và nhiều người đàn ông khác như họ, sẽ là một khởi đầu hữu ích nếu phía bác sĩ bắt đầu quan tâm tích cực hơn và xem họ không chỉ là những người đàn ông “không hoàn chỉnh”, mà là một phần quan trọng của quá trình sinh sản.
Như Homa nói: “Tôi nghĩ rằng bằng cách bỏ qua vô sinh nam, như thể nó là thứ yếu và không quan trọng, bạn đã mất một nửa bức tranh về thực trạng hiếm muộn”.
Di truyền không khiến bạn thực sự trở thành một người cha. Mà là cách bạn có mặt trong cuộc đời của đứa trẻ”. Gareth Down