"Đào, phở và piano": Khúc tráng ca của hoa và máu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Không có lửa đạn, vẫn ra đánh nhau. Không có chiến tranh, vẫn thấy bi tráng.” Có rất nhiều mâu thuẫn tồn tại trong nhân vật ông hoạ sĩ của “Đào, phở và piano”.

Ông bỏ vẽ lên chiến luỹ, dùng toàn bộ màu vẽ thậm chí cả máu để vẽ cờ đỏ sao vàng, cũng chính ông bảo lính Pháp “ở đây không có đánh nhau, không có chiến tranh, chỉ có nghệ thuật”.

Ông đã vẽ rất nhiều lá cờ phủ lên thân, ôm lấy những chiến sĩ đã hy sinh, ông chọn ở lại vì “cũng phải có người hương khói cho họ chứ”, và rồi cũng chính ông đã một mình ngã xuống vào buổi sáng sau khi hoàn thành kiệt tác về Hà Nội cuối cùng.

Đó là cái mâu thuẫn điển hình của nghệ thuật và chính trị. Nghệ thuật và chính trị không thể tách rời nhau, ngay cả những bức vẽ cũng không thể nào đứng ngoài chiến tranh. Ông hoạ sĩ theo đuổi nghệ thuật hoàn hảo cả một đời, thể hiện rõ qua bức hoạ "Vitruvian Man" (tỷ lệ cơ thể người hoàn mỹ theo Vitruvius) do Leonardo da Vinci vẽ từ thời kỳ Phục Hưng. Để rồi cuối cùng, ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa được họ, sự hoàn hảo được “tạc” trực tiếp lên hình ảnh hoạ sỹ ngã xuống giữa chiến trường. Đó là khoảnh khắc nghệ thuật nở rộ trong chiến tranh.

"Đào, phở và piano": Khúc tráng ca của hoa và máu ảnh 1

Ông hoạ sĩ cắt máu vẽ cờ tổ quốc, ả đào ngày ngày xinh đẹp cùng khúc hát ca trù hy sinh thân mình để mở đường thoát, tiếng hát "Hồn tử sĩ" truy điệu đồng đội, rồi cả cây đàn piano vỡ nát trở thành một phần của chiến luỹ. Nghệ thuật bị chiến tranh đàn áp, nhưng cũng chính nghệ thuật trở thành vũ khí, trở thành tấm khiên giữa chiến trường. Bởi người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, tác phẩm nghệ thuật chính là vũ khí đấu tranh.

“Đào, phở và piano” có rất nhiều nhân vật, nhưng khép lại bộ phim, họ không có một danh tính riêng nào cả, nhưng cũng không được gọi chung dưới bất cứ cái tên nào. Họ là cô gái, chàng trai, ông hoạ sỹ, cha xứ, me-xừ Phán, chú bé đánh giày, ông hàng phở, bà hàng phở, ả đào. Họ chiến đấu trên chiến trường, nhưng không phải lính chính quy. Hai chữ dân quân, “dân” đứng trước “quân”, trước khi đấu tranh vì đất nước họ chỉ là những con người bình thường trong cuộc sống vô thường.

Bộ phim làm điều này hiện lên lại càng rõ nét hơn khi đặt tên cho chàng trai là Dân. Một "người Dân" bình thường, không được đào tạo qua môi trường quân đội, cầm quả pháo cũng ném không nổi. Nhưng cũng chính người Dân bình thường ấy lại luôn xông pha vì đất nước, ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất vẫn lựa chọn cố thủ, dù mắt đã mù tai đã ù cũng vẫn đi tìm bom đánh giặc.

Bộ phim kể lại câu chuyện trong ngày cuối cùng của 60 ngày đêm khói lửa, khi quân Thủ đô đã được lệnh rút hết lên chiến khu, chỉ còn lại lác đác những người “không ai nhớ mặt đặt tên” đồng hành cùng Hà Nội.

Chính xác 78 năm không thừa không thiếu kể từ hồi kết cho khúc tráng ca quân-dân Thủ đô ngày 17/02/1946, “Đào, phở và piano” lại thổi lên bầu không khí hào hùng giữa lòng Hà Nội, âu cũng là một cái kết đẹp.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.