Tại hội thảo, chia sẻ kết quả khảo sát, phân tích chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng theo chương trình đánh giá PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD). Tại PISA 2012 và 2015, điểm trung bình của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh OECD ở tất cả môn, trừ đọc hiểu (2015). Trong đó, năm 2015 các em thể hiện sự vượt trội với môn Khoa học, khi xếp thứ 8 trên 70 quốc gia. Thứ hạng môn Toán và Đọc hiểu lần lượt đạt 22 và 32.
Đáng chú ý, theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, khi phân tích kết quả Toán của Việt Nam tại PISA 2018, nhóm tác giả của báo cáo nhận thấy, học sinh phổ thông Việt Nam nổi trội ở những bài tập khó – đòi hỏi khả năng vận dụng thực tiễn. Tuy nhiên, với những bài ở mức độ đọc hiểu, nhận biết, các em lại làm chưa tốt. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là học sinh Việt Nam đã quen với các dạng câu hỏi ứng dụng, nghiêng về kỹ thuật. Các kỳ thi trong nước thường thiết kế câu hỏi tập trung ở dạng vận dụng, ứng dụng thực tiễn, số lượng câu hỏi về đọc hiểu, lý thuyết không nhiều nên học sinh ít thực hành hơn.
Nhận định chung về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Giáo dục Tiểu học đã thành công trong việc trang bị cho học sinh lớp 5 các kỹ năng đọc, viết và làm Toán cơ bản. Cụ thể, 70-84% học sinh lớp 5 đạt chuẩn tối thiểu môn Toán (trắc nghiệm) và Tiếng Việt (năm học 2013-2014). Tuy nhiên, học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không duy trì được tỷ lệ này. Ví dụ, năm học 2013-2014, chỉ 45% học sinh lớp 9 tại Việt Nam đạt chuẩn môn Toán, con số này với môn Tiếng Anh là 53%. Đến lớp 12 (năm học 2014-2015), tỷ lệ đạt chuẩn Toán cao hơn, đạt 52% nhưng tiếng Anh chỉ 40%.
Ở bậc đại học, quy mô sinh viên tăng trưởng mạnh vào năm 2014 (bằng 109,3%), giảm nhẹ vào năm 2018 (70,2%) và lại tiếp tục nhích lên vào năm 2019 (79%). Năm 2018 có hơn 108 nghìn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, bằng 3,6% tổng số sinh viên Việt Nam. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cũng tăng mạnh ở những năm 2015-2016 và giảm nhẹ ở năm 2019.
Đáng chú ý, một số ngành nghề, trình độ của sinh viên tốt nghiệp của những cơ sở đào tạo hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tiếp cận trình độ sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học trong khu vực. Năm 2018, tỷ lệ sinh viên của 181 cơ sở đại học, 40 trường cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp là 65,5%. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng lại cao hơn ở trình độ trung cấp.
Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2022 đề xuất, cần phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Về tài chính, theo báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng thấp hơn so với mức 20% được đề ra. Chi ngân sách bình quân trên mỗi học sinh mầm non và phổ thông tương đối đồng đều. Tuy nhiên, chi ngân sách bình quân trên mỗi sinh viên ở bậc đại học còn thấp so với quốc tế. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được miễn học phí ở bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học còn thấp.
Tính trung bình, gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học và mức đóng góp có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với Tiểu học là 32%; Trung học cơ sở là 42% và Trung học phổ thông là 43%./.