Tròn 11 năm sau ngày Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ra đời vào năm 1993, đơn vị thành viên đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập vào năm 2004 - hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực UNESCO khoa học & công nghệ. Gần nhất, ngay trong năm 2023, đơn vị thành viên hoạt động trên lĩnh vực UNESCO Bảo tồn di sản mỹ thuật & văn hóa vừa ra đời.
Với 13 đơn vị thành viên hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh, các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của bao gồm: khoa học & công nghệ, tư vấn đầu tư, văn hóa, nghệ thuật, thông tin & truyền thông, khoa học nhân văn, tín ngưỡng, võ thuật, thể thao, nghệ thuật truyền thống, mỹ thuật, văn chương, kỹ năng sống cho cộng đồng.
Đại diện Liên hiệp tại TP HCM tham dự hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm thành lập LH các Hội UNESCO Việt Nam |
Bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ
Thành công của phong trào UNESCO phi chính phủ tại TP.HCM và khu vực miền Nam chính là thành công của công tác bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Số lượng các đơn vị thành viên tại miền Nam khá khiêm tốn, chủ yếu tập trung tại TP HCM. Số lượng khiêm tốn của danh sách đơn vị thành viên hiện nay là sự cẩn trọng cần thiết của Ban chấp hành Liên hiệp trong chặng đường vừa qua, để sao cho chất lượng hoạt động của mỗi đơn vị thành viên phải là một phần tốt đẹp về hình ảnh tổ chức UNESCO đối với cộng đồng.
Sự cẩn trọng có mặt ở mọi phương diện đối với từng đơn vị thành viên - từ khâu xem xét đề xuất hoạt động, xem xét sự phù hợp của lĩnh vực hoạt động, phạm vi hoạt động, cho đến năng lực, ý thức và quan điểm của nhân sự đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực UNESCO với đặc thù vì lý tưởng nhân văn... đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong suốt chặng đường hoạt động của từng đơn vị đều có sự dõi theo, kiểm tra và rà soát hết sức rõ ràng, đánh giá thực tế và khách quan, đồng thời có sự điều chỉnh kịp thời, cần thiết. Ban chấp hành Liên hiệp luôn phối hợp với chính quyền địa phương nơi đơn vị thành viên đóng trú để thường xuyên nắm bắt, xử lý, hạn chế thấp nhất những vi phạm quy chế, điều lệ hoạt động và tăng cường tính chủ động, tích cực, tuân thủ các quy định của pháp luật và chính quyền địa phương.
Ý thức bảo vệ có mặt ở tất cả các khâu của tổ chức và bắt đầu ngay từ công tác xây dựng - bao gồm xây dựng đội ngũ, xây dựng tổ chức, xây dựng chất lượng hoạt động… Để sau cùng, hình ảnh của từng đơn vị hoạt động trong phong trào UNESCO là phải mang đầy đủ phẩm chất của sự chuyên nghiệp, định hướng nhân văn, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, góp phần xây dựng hạnh phúc cho con người và an ninh, hòa bình cho đất nước một cách cụ thể và thực tiễn.
Trong quá trình hình thành và hoạt động, không tránh khỏi việc có những cá nhân, tổ chức bên ngoài đã lợi dụng uy tín, danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức UNESCO để thực hiện những hành vi vụ lợi, từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Liên hiệp nói riêng và tổ chức UNESCO nói chung.
Xuất phát từ ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ, Ban chấp hành Liên hiệp đã luôn đề cao sự chủ động để nắm bắt các hiện tượng, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hình ảnh, tên tuổi của Liên hiệp và tổ chức UNESCO, từ đó có những ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trên thực tế, Ban chấp hành Liên hiệp đã tổ chức thực hiện công tác này một cách kiên nhẫn, khéo léo và hiệu quả, để vừa ngăn chặn kịp thời những hành vi từ bên ngoài có ảnh hưởng xấu, vừa xây dựng và phát triển được uy tín của tổ chức UNESCO.
Công tác Bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ đã được Ban chấp hành Liên hiệp thực hiện hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ trên cơ sở đề cao chất lượng và hiệu quả thực tế, đề cao ảnh hưởng tích cực và lành mạnh đối với cộng đồng dù ở bất kỳ phạm vi, quy mô nào. Đây chính là công tác bảo vệ uy tín của tổ chức UNESCO, cũng chính là tiền đề để công tác phát triển phong trào UNESCO phi chính phủ tại miền nam thực sự cất cánh trong tương lai gần, bởi đã được chuẩn bị một nền móng vững chắc.
Hoạt động của một số trung tâm tiêu biểu thuộc Văn phòng Liên hiệp tại TP HCM |
Phát triển hơn nữa phong trào UNESCO trong tương lai
Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam mang trong mình nhiều tiềm năng về mọi mặt. Đây là mảnh đất rộng lớn với rất nhiều sự đa dạng về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhiều giá trị tinh thần quý giá mang đặc thù miền đất phương Nam của Tổ quốc; Con người nơi đây thuần phác, phóng khoáng, cởi mở, nhiệt thành; Các phong trào xã hội tích cực luôn được đón nhận nồng nhiệt và lan tỏa trong tinh thần tràn đầy trách nhiệm; Các lĩnh vực được cộng đồng quan tâm rất phong phú và đa chiều – cũ và mới, truyền thống và hiện đại, thể chất và tinh thần…
Với nền móng của công tác bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ trong thời gian qua, việc phát triển phong trào UNESCO phi chính phủ lên một tầm cao mới tại mảnh đất phương Nam trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể. Về phát triển nhân sự lãnh đạo: Liên hiệp UNESCO phía Nam cần lựa chọn, bổ sung để tăng cường thành viên Ban chấp hành Liên hiệp công tác trực tiếp tại TP.HCM và khu vực miền nam, từ đó nâng cao năng lực quản lý điều hành và mở rộng hoạt động cho Văn phòng đại diện phía Nam.
Về phát triển lĩnh vực hoạt động: Cần chủ động tìm kiếm, nắm bắt các lĩnh vực tiềm năng và cụ thể hóa với những mảng hoạt động then chốt của các lĩnh vực đó tại TP.HCM và các tỉnh thành phía nam để đặt ra kế hoạch phát triển mang tính toàn diện, giống như việc lập ra một bản đồ mang tính hoạch định chung, để lấy đó làm căn cứ phát triển phù hợp và bền vững.
Phát triển tổ chức trực thuộc: Khi đã có bản đồ mang tính hoạch định, các thành viên Ban chấp hành chịu trách nhiệm phía nam sẽ phải chủ động tìm kiếm, tiếp cận với nguồn nhân sự vốn rất phong phú (bao gồm các cá nhân và các tổ chức) tại TP.HCM và các tỉnh thành phía nam, để vừa tuyên truyền thiết thực về tổ chức UNESCO và hoạt động của phong trào UNESCO phi chính phủ, vừa qua đó hiểu rõ tiềm lực nhân sự. Đây là cơ sở để khuyến khích cộng đồng tham gia phong trào với nhiều vị trí khác nhau, trong đó đặc biệt quan trọng là các vị trí tiên phong từ những con người luôn mong muốn cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Phát triển công tác bảo trợ: Thực tế có nhiều các tổ chức chuyên ngành hoặc nhóm xã hội hoạt động chuyên môn liên quan đến khoa học, văn hóa, giáo dục với tâm huyết và thành công nhất định. Tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm về tổ chức và xây dựng quan hệ cộng đồng nên chưa thể phát huy hết năng lực và chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Trong các trường hợp này, việc phát triển công tác bảo trợ của Liên hiệp không chỉ mang ý nghĩa chung tay vì cộng đồng mà còn phát triển thêm được lực lượng trí thức trẻ rất đáng quý tham gia vào phong trào UNESCO phi chính phủ với chất lượng ngày càng cao.
Phát triển khả năng quản lý, tổ chức, tập hợp và chia sẻ thông qua ứng dụng công nghệ: Trong thời kỳ mà việc ứng dụng công nghệ được đặt lên như tiêu chí quan trọng của năng lực phát triển, chúng ta rất cần đặt ra kế hoạch và sớm thực hiện một mạng quản lý với phần mềm ứng dụng phù hợp. Điều này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho việc phát triển mạng lưới hoạt động phong trào UNESCO phi chính phủ, đồng thời sẽ làm cho công tác quản lý đáp ứng được mạng lưới rộng lớn trong tương lai.
Phát triển cơ sở vật chất tại các đơn vị và ổn định văn phòng đại diện phía Nam: Với tính chất hoạt động tự nguyện, tự trang trải và chủ yếu là phi lợi nhuận, hiện nay các đơn vị đều chủ động về cơ sở vật chất từ các nguồn lực đóng góp cá nhân. Đây là điều rất đáng quý cần được tiếp tục phát huy trong tương lai.
Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, ban/ngành hữu quan để có được một nơi làm việc ổn định cho cơ quan đại diện Liên hiệp tại TP.HCM. Điều đó sẽ tạo điều kiện tốt cho hoạt động của mạng lưới các đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh phía nam được phát triển thuận lợi và bền vững.
Bảo vệ và phát triển là hai mặt quy định lẫn nhau, vừa mang tính song hành vừa mang tính tiếp nối. Chỉ khi công tác bảo vệ được coi trọng thì công tác phát triển mới được đảm bảo, và ngược lại, công tác phát triển chỉ vững bền khi được đặt trên nền tảng của sự bảo vệ thực sự cẩn trọng. Ý thức và hành động bảo vệ phong trào UNESCO phi chính phủ của Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã làm chất lượng hoạt động tại các đơn vị thành viên liên tục được củng cố, phong phú và chuyên nghiệp hơn; sự nhận diện về tổ chức UNESCO ngày càng rộng rãi hơn; uy tín của tổ chức UNESCO ngày càng được khẳng định. Trên nền tảng đó, trong tương lai không xa, chắc chắn công tác phát triển phong trào UNESCO phi chính phủ tại TP.HCM và miền Nam sẽ có những bước tiến thực sự dài rộng.
Phạm Hoàng Thịnh
Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trưởng đại diện Liên hiệp tại TP HCM