Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã nhắc đến vấn đề phát triển kinh tế hậu COVID-19 cũng như lên án những hành động trục lợi của một bộ phận nhỏ cán bộ cơ sở.
Đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị Chính phủ và tất cả các địa phương, các bộ, ngành phải xem xét đình chỉ, dừng tất cả các công trình không cần thiết, tốn kém tiền của của Nhân dân.
'Sau dịch COVID-19, chúng ta phải làm gì chứ cứ đi xây dựng công trình nọ, công trình kia mà không có giá trị thì chỉ tốn kém tiền của, tốn kém ngân sách', đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre. |
Đặc biệt, đại biểu Nhưỡng cũng nhấn mạnh đối với việc phòng, chống tham nhũng khi dịch COVID-19 diễn ra: 'Cán bộ, công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị phải dừng lại ngay. Bây giờ trong thời COVID-19 cũng còn tham nhũng thì dân không thể chấp nhận được'.
Cùng phát biểu về ý kiến này, ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu lên thực tế: 'Các gói hỗ trợ rất kịp thời, như gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ giá điện thoại, hỗ trợ giá viễn thông... nhưng đã có sự trục lợi từ các chính sách của Chính phủ, tình trạng nhũng nhiễu, gian dối liên quan đến gói hỗ trợ an sinh xã hội, có nơi không đúng đối tượng'.
Theo đại biểu Tám, đây là những hành vi không thể chấp nhận được. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi này.
Bên cạnh đó, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ kịp thời đối với người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch COVID-19: 'Gói hỗ trợ 62.000 tỷ cùng gần 40.000 tỷ tiền miễn giảm tiền điện, hỗ trợ cước viễn thông, chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế nộp ngân sách.
Một loạt các chính sách kịp thời của Ngân hàng nhà nước như Chỉ thị số 02 ngày 31/3/2020, Thông tư 01 ngày 13/3/2020, Thông báo số 130 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước liên quan đến các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hoạt động tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cùng với các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp, sự hưởng ứng kịp thời của hệ thống các tổ chức tín dụng là những tác động cần thiết, giúp cho các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế'.