Báo cáo về trốn thuế toàn cầu năm 2024 do nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế Paris (PSE) thực hiện cho thấy số tiền thuế thu về nói trên sẽ chỉ chiếm khoảng 2% tổng tài sản gần 13.000 tỷ USD của 2.700 tỷ phú trên toàn cầu. Theo nhóm nghiên cứu của PSE, hiện thuế cá nhân đối với các tỷ phú thường thấp hơn nhiều so với thuế đối với những người có thu nhập bình thường, vì các tỷ phú có thể gửi tài sản vào các công ty vỏ bọc để tránh phải nộp thuế thu nhập.
Giám đốc Cơ quan giám sát thuế EU Gabriel Zucman khẳng định việc gửi tài sản cá nhân vào công ty để tránh thuế thu nhập làm suy yếu tính bền vững của hệ thống thuế. Cơ quan này ước tính thuế thu nhập cá nhân của các tỷ phú ở Mỹ chỉ chiếm gần 0,5% tổng thu nhập và thậm chỉ ở Pháp là 0%.
Bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng ở một số quốc gia đang thúc đẩy đề nghị những công dân giàu nhất phải đóng thuế nhiều hơn, trong bối cảnh tài chính công phải chật vật đối phó với trình trạng dân số già, nhu cầu tài chính khổng lồ cho quá trình chuyển đổi liên quan biến đổi khí hậu và các khoản nợ đọng do đại dịch COVID-19.
Theo Cơ quan giám sát thuế EU, mặc dù nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đánh thuế các tỷ phú có thể mất nhiều năm nhưng đó là việc có thể làm được, vì thực tế có những việc tương tự đã thành công.
Điển hình như việc các nước đã thành công trong việc chấm dứt hoạt động bí mật của ngân hàng và giảm cơ hội các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có mức thuế thấp. Năm 2018, việc ra mắt tính năng chia sẻ thông tin tài khoản tự động đã làm lượng tài sản cất giữ tại các "thiên đường thuế" ở nước ngoài giảm 3 lần.
Ông Gabriel Zucman khẳng định bước đi hợp lý tiếp theo là áp dụng phương thức này đối với các tỷ phú, không chỉ đối với các công ty đa quốc gia. Trong trường hợp không có được nỗ lực quốc tế rộng rãi thúc đẩy áp dụng mức thuế tối thiểu đối với các tỷ phú, một số quốc gia có thể hình thành liên minh đi đầu thực hiện.