Các hãng hàng không đã hủy 25.000 chuyến bay đến và đi Trung Quốc khiến doanh thu bán vé sụp đổ, theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch OAG. Công ty General Motors Co. và các nhà sản xuất ô tô khác cũng chưa thể đưa nhân viên của họ quay trở lại Trung Quốc để làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hôm thứ Ba, chính quyền đặc khu Macau tuyên bố sẽ đóng cửa các sòng bạc trong 2 tuần để đề phòng dịch bệnh lây lan. "Thiên đường cờ bạc" ở châu Á vốn là mảnh đất đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà điều hành sòng bạc của Mỹ là Wynn Resorts Ltd. và Las Vegas Sands Corp.
Dịch bệnh bùng phát khiến người dân Bắc Kinh không muốn ra đường mua sắm và ăn uống vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: AP |
Các công ty toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới, với tư cách là thị trường tiêu thụ hàng hóa chính. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc khi thị trường tỷ dân lâm vào cảnh "bạo bệnh", hàng loạt doanh nghiệp trên thế giới cũng không khỏi "rùng mình".
Triển lãm hàng không Singapore, dự kiến khai mạc vào tuần tới, đã tuyên bố sẽ hủy một hội nghị kinh doanh do không có sự tham gia của các công ty Trung Quốc.
Doanh thu du lịch ở Thái Lan và một số quốc gia khác ở châu Á khác, vốn phụ thuộc vào du khách Trung Quốc, đã tụt giảm nghiêm trọng sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hủy các tour du lịch số lượng lớn. Trong khi nhiều đoàn doanh nghiệp và công nhân cũng chưa thể quay trở lại làm việc tại nước ngoài.
Một cửa hàng thời trang tại khu mua sắm Montenapoleone, Milan trưng bày các sản phẩm xa xỉ dành cho du khách Trung Quốc. |
Italia có thể mất tới 4,5 tỷ euro (5 tỷ USD) doanh thu du lịch trong năm nay vì nỗi sợ hãi dịch bệnh khiến du khách tránh xa các điểm nóng du lịch tại nước này, công ty phân tích dữ liệu Demoskopika cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba.
Trong khu mua sắm MonteNapoleone sang trọng của Milan, hàng chục thương hiệu thời trang đã sẵn sàng trưng bày các món hàng xa xỉ trong dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng các "đại gia" Trung Quốc đã lỡ hẹn với mùa mua sắm năm nay vì virus corona mới.
Phòng Thời trang Quốc gia Italia ước tính doanh số của ngành này sẽ giảm 1,8% trong 6 tháng đầu năm nay, dù trước đó được dự báo sẽ đạt mốc tăng trưởng 3%.
Khoảng 1/3 tất cả các giao dịch xa xỉ phẩm trên toàn cầu đến từ du khách Trung Quốc. Ở Italia, các du khách đến từ quốc gia châu Á chi tiêu nhiều hơn người Nga, người Ả Rập và người Mỹ cộng lại. Ảnh: AP |
Chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ các cửa ngõ ra vào Vũ Hán, một trung tâm sản xuất hàng hóa của nước này.
Thành phố Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và là trung tâm của các công ty công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc, đã áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trong thành phố và cho biết các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập để kiểm tra người đi đường nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Các tuyến đường và tàu điện ngầm ở nhiều thành phố trên cả nước gần như ngay không có bóng người, ngay cả khi Trung Quốc bước vào tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Hàng nghìn nhà hàng và rạp chiếu phim đã bị đóng cửa để ngăn chặn đám đông tụ tập. Các hãng phim nội địa và quốc tế gần như rơi vào cảnh thất thu do mùa cao điểm Tết Nguyên đán chứng kiến doanh thu hết sức ảm đạm so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng rằng nước này có thể vượt qua những khó khăn hiện tại, nhưng một số chuyên gia dự báo mức tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống 5,2%.
Hai công ty tài chính là Barclays và Morgan Stanley cho biết đợt bùng phát dịch nCoV có thể làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 0,2 đến 0,4%.
Trước đó vào năm 2003, Trung Quốc cũng trải qua đợt dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS. Tuy nhiên nền kinh tế nước này đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại và tác động không đáng kể tới tăng trưởng toàn cầu.
Lần này, ngay cả khi Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau dịch nCoV, tác động trên phạm vi toàn thế giới có thể lớn hơn SARS, các nhà dự báo cho biết. Đó là bởi vì Trung Quốc hiện chiếm 16,3% hoạt động kinh tế toàn cầu, gấp hơn ba lần so với mức 4,3% vào năm 2003, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Các biện pháp chống dịch bệnh sẽ kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống trong quý này, điều này sẽ gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và gây ra nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính", ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của công ty Oxford Economics, cho biết trong một báo cáo.
Việc phong tỏa Vũ Hán đã làm gián đoạn quá trình sản xuất tinh thể lỏng và các tấm điốt phát sáng, theo nghiên cứu của IHS Markit. Điều này đã làm giảm nguồn cung và đẩy giá thành các sản phẩm màn hình máy tính, TV,...
Các tác động tiêu cực có thể lan rộng, làm giảm sản lượng ô tô và cũng như giá dầu, quặng sắt và các vật liệu khác từ Australia, Brazil và châu Phi.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới với nhiều mặt hàng, bao gồm cả dầu. Giá dầu Brent đã giảm xuống còn khoảng 55 USD / thùng so với mức 70 USD vào đầu tháng 1, một phần do nhu cầu của Trung Quốc suy giảm.
Giá dầu thấp hơn có nghĩa là khí đốt rẻ hơn cho người tiêu dùng phương Tây nhưng tình trạng này gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu như Indonesia, quốc gia vốn dựa vào các khoản thu từ xuất khẩu dầu.
Ngay cả các công ty nhỏ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự bùng phát dịch bệnh do liên kết ngày càng chặt chẽ với các nhà sản xuất của Trung Quốc.
Nhiều nhà sản xuất vẫn chưa cảm nhận được tác động của virus corona mới, bởi vì các nhà máy đã đóng cửa tới 3 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng các nhà dự báo cho biết sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại sẽ nhanh chóng làm giảm nhu cầu đối với các linh kiện và vật liệu nhập khẩu như đồng và thép.