Lễ hội ma quỷ Kukeri ở Bulgaria
Người Đông Âu, nhất là Bulgaria rất hào hứng với ngày lễ ma quỷ Kukeri. Kukeri là một nghi lễ xưa, ra đời từ thời Thracia cổ đại nhằm tôn thờ thần Dionysus - thần bảo hộ cho xứ sở, cũng là thần rượu nho, thần sinh sản và tái sinh. Người ta quan niệm rằng, nghi lễ này sẽ giúp xua đuổi tà ma và mang lại một năm an lành cho tất cả mọi người.
Trong lễ Kukeri, điểm nổi bật là những bộ trang phục rợn người bằng da thú, những chiếc mặt nạ gỗ tạo hình đáng sợ cùng bộ chuông nhỏ có thể quấn quanh người, đao, kiếm… Trong lễ này, người dân Bulgaria hóa trang thành những con quỷ đáng sợ, gọi là Kukeri, đổ ra đường nhảy múa và phá rối người khác vào ban đêm. Sau khi đóng làm ma giả, tất cả phải tham gia vào một nghi thức huyền bí do một Kukeri thủ lĩnh tiến hành. Người này làm lễ cầu sức khỏe, may mắn cho cả làng rồi tới thăm từng gia đình, phát cho họ bánh mì, rượu vang và cọ sát người lên sàn nhà như một cách để chia sẻ sự may mắn.
Lễ hội Obon ở Nhật Bản
Lễ hội Obon ở Nhật Bản là một lễ hội tương tự như ngày lễ xá tội vong nhân ở Việt Nam, diễn ra vào giữa tháng 7 dương lịch hàng năm. Dù có màu sắc khác biệt, song với ý nghĩa "linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở về trần thế”, lễ hội Obon vẫn luôn được coi như một ngày lễ tâm linh quan trọng, thiêng liêng, được người dân khắp các vùng miền trên đất nước mặt trời mọc coi trọng và gìn giữ.
Vào dịp lễ, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một kỳ nghỉ khá dài, gọi là kỳ nghỉ Obon. Người ta thường mặc trang phục truyền thống Yukata, một loại Kimono với chất liệu vải mỏng và mát để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên khi đi thăm hỏi. Trong lễ Obon, nhiều hoạt động thú vị, mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng diễn ra, tiêu biểu phải kể đến lễ dâng lửa Obon. Theo ý nghĩa dân gian, dâng lửa là cách để người trần soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời. Người ta lần lượt đốt 5 đám lửa ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau khi đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của lễ Obon sẽ được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Lễ hội kết thúc với nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy), theo đó, các con thuyền bằng giấy sẽ được thả trôi theo các con sông tượng trưng cho việc tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ. Trong dịp lễ Obon, một số lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.
Lễ hội Người chết tại Mexico
Lễ hội Người chết tại Mexico diễn ra trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2/11 hàng năm. Đây là dịp để người dân Mexico thờ Nữ thần chết, Mictecacihuatl. Vào ngày này, người dân Mexico đi thăm mộ những người thân đã khuất và tặng linh hồn quá cố những hộp sọ làm từ đường, hoa cúc vạn thọ, đồ ăn yêu thích của họ khi còn sống. Cư dân Mexico quan niệm rằng cái chết là một phần tiếp nối của cuộc sống. Vì thế, lễ hội ở đây không nhuốm màu buồn bã mà trái lại, được tổ chức nhộn nhịp, mang đến không khí đoàn tụ cho các gia đình.
Trong lễ hội này, bạn bè và gia đình thường xuyên tụ tập với nhau, ăn uống và vui chơi. Đồ ăn được dùng phổ biến trong lễ hội gồm có rượu tequila, rượu mezcal, chocolate nóng pha cùng bột ớt và quế. Bên cạnh đó, mọi người sẽ ăn những loại bánh làm từ bột mì có hình dạng giống như đầu lâu sọ người.
Lễ hội Bon Kan Ben ở Campuchia
Bon Kan Ben là một lễ hội tôn giáo đặc trưng của người Campuchia. Nó thường kéo dài 15 ngày trong tháng 10 theo lịch của người Khmer. Đây là dịp người Campuchia thể hiện lòng biết ơn đối với những linh hồn người thân đã quá cố.
Người Campuchia tin rằng, mỗi năm, cánh cửa địa ngục lại được mở ra một lần. Khi đó, các linh hồn, bóng ma tổ tiên 7 đời trước sẽ trở về nhân gian. Do đó, vào dịp này, người ta thường sửa soạn đồ ăn, thực phẩm để cúng tế cho các ngôi chùa, các nhà sư cầu siêu cho những hồn ma còn lang thang ngoài đường sớm được siêu thoát.