Để chấm dứt nhanh các tranh chấp, bà Thảo đề nghị tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng hiện nay sẽ chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7. Quyền lựa chọn đầu tiên thuộc về ông Vũ, nghĩa là nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại. Hơn nữa, sau khi đã chọn rồi, ông Vũ vẫn có thêm 1 tháng để suy nghĩ và thay đổi quyết định, theo đó, bà Thảo sẽ tiếp tục tôn trọng và chấp nhận lựa chọn cuối cùng của ông Vũ.
“Cả hai thương hiệu này đều là “đứa con” mà vợ chồng tôi cùng khai sinh và gầy dựng suốt 20 năm qua, đem lại danh tiếng cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Tới bây giờ, tôi vẫn luôn mong sẽ cùng chồng mình tiếp tục giữ gìn và phát triển 2 thương hiệu này”, bà Diệp Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực đối thoại đều khó khăn, bà Thảo khẳng định sẽ nhường chồng quyền lựa chọn đầu tiên và cũng để chồng đưa ra quyết định cuối cùng. “Anh Vũ chọn phương án nào cũng được, tôi sẽ là người nhận phần sau cùng, miễn sao mọi việc sớm bình yên. Nhưng bất kể anh chọn cái gì, bất kể anh có tiếp tục lên núi ẩn tu hay không, tôi và các con vẫn luôn đợi anh về. Gia đình sẽ mãi là chỗ dựa cuối cùng của anh”.
Như vậy, sau nhiều lần hòa giải, Tòa sẽ mở phiên xử sơ thẩm vào ngày 30/1 để giải quyết vụ án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên. Bốn người con có thể được Tòa xem xét xử lý theo nguyện vọng vì tất cả đều trên 7 tuổi. Điều cuối cùng là khối tài sản và thương hiệu Trung Nguyên, G7 sẽ được giải quyết như thế nào để hai thương hiệu này tiếp tục phát triển là điều mà dư luận hết sức quan tâm.
Tập đoàn Trung Nguyên gặp nhiều biến cố kể từ khi ông Vũ kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’drak (ĐăkLăk) vào cuối năm 2013. Ông Vũ khẳng định đã lên núi ẩn tu trong suốt 5 năm qua, và kể từ đó rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
Đột ngột vào tháng 4/2015, Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên. Sự bãi nhiệm này đã đẩy bà Thảo ra khỏi cương vị của người đồng sáng lập, quản lý và điều hành của Tập đoàn.
Cũng từ thời điểm này, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều được ủy quyền cho cấp dưới quản lý. Sự bất thường này làm dấy lên những hoài nghi về năng lực hành vi của ông Vũ cũng như sự thao túng của thế lực khác nhằm vụ lợi khối tài sản của Trung Nguyên.
Chính vì thế, bà Thảo buộc phải đệ đơn ly hôn nhằm tránh những tổn thất cho hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên bởi lúc này cả 2 vợ chồng đều không trực tiếp kiểm soát Tập đoàn. Cũng kể từ đó đến nay liên tiếp diễn ra các vụ việc pháp lý khiến Trung Nguyên gặp nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh và phát triển thương hiệu.