Theo ghi nhận của Zing.vn, tối 4/2, người bị kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phú Lợi, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) không trực tiếp tiếp xúc với máy đo mà thổi vào bong bóng theo hướng dẫn của CSGT.
Lượng khí thở này sau đó được lực lượng làm nhiệm vụ đưa vào máy kiểm tra nồng độ cồn thông qua một thiết bị y tế được khử trùng.
"Nhiều ngày qua gia cánh tài xế chúng tôi ai cũng lo sợ bị lây bệnh khi nhiều người cùng thổi vào một chiếc máy đo nồng độ cồn. Biết rằng ống thổi hơi mỗi người dùng xong là bỏ nhưng ai dám tin virus không còn trong máy", tài xế T.Đ.H. (39 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng) nói ông thấy yên tâm hơn khi CSGT Sóc Trăng cho thổi hơi gián tiếp vào bong bóng.
Trước khi đo nồng độ cồn, CSGT giải thích với tài xế rằng lý do thổi khí gián tiếp vào bong bóng là để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Ống dùng để thổi hơi và đưa khí thở vào máy đo là dụng cụ bằng nhựa dùng trong y tế. Mỗi ống nhựa và bong bóng chỉ sử dụng một lần.
Khí thở từ bong bóng được chuyển vào máy đo nồng độ cồn. Ảnh: Zing.vn |
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV báo Dân Trí, Đại úy Võ Thành Việt - Trưởng trạm CSGT Mỹ Xuyên cho biết: “Giữa lúc mọi người đang quan tâm đến dịch bệnh virus corona, nên anh em cũng trăn trở làm sao để vừa đo được nồng độ cồn của các tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vừa đảm bảo được sức khỏe của họ.
Vì thế, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đề xuất đo bằng cách cho tài xế thổi hơi vào bong bóng, sau đó truyền gián tiếp qua máy đo nồng độ cồn. Tối 4/2, sau khi báo cáo đề xuất và được lãnh đạo Phòng CSGT chấp thuận, chúng tôi thực hiện thí điểm và bước đầu có hiệu quả khi phát hiện có tài xế vi phạm nồng độ cồn”.
Tài xế Trần Thanh Hậu (huyện Mỹ Xuyên) cho biết: “Tôi thấy việc làm của các chiến sĩ CSGT rất linh hoạt, có hiệu quả. Bong bóng các anh sử dụng là loại bong bóng rất phổ biến trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường thổi chơi với trẻ con hay trang trí trong nhà, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Việc làm của CSGT thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong nghiệp vụ chuyên môn cũng như trong việc bảo vệ sức khỏe người dân”.
Đại tá Phạm Minh Khả - Trưởng phòng CSGT cho biết: “Đây chỉ mới là thí điểm thôi nhưng bước đầu đã cho kết quả khá tốt. Việc anh em nghĩ ra phương pháp này cũng xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ nghiệp vụ, đồng thời cũng xuất phát từ tình hình thực tiễn, làm sao để vừa bảo đảm an toàn giao thông cho người dân vừa bảo đảm sức khỏe cho bà con.
Chúng tôi mong muốn người tham gia giao thông ủng hộ, hợp tác để anh em hoàn thành nhiệm vụ của mình và bà con cũng yên tâm về sức khỏe, an toàn khi tham gia giao thông”.