Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phát triển; đồng thời, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tiên phong trong việc tạo kênh đối thoại và kết nối nguồn lực giữa các quỹ đầu tư lớn quốc tế với Chính phủ, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc này?
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo. Trên thế giới đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kiểu mới, đầu tư mạo hiểm hướng tới các doanh nghiệp công nghệ, nhất là ở các thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng.
Ví dụ điển hình là Quỹ đầu tư Vision Fund do Công ty Softbank của Nhật khởi xướng với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ USD. Nắm bắt được xu hướng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế, đối thoại với họ để thu hút đầu tư của họ vào Việt Nam. Với vai trò là cơ quan tham mưu về kinh tế nói chung và đầu tư nói riêng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động để tạo các diễn đàn, các kênh đối thoại giữa các nhà đầu tư quốc tế lớn với Chính phủ, các bộ, cơ quan của Việt Nam.
Những hoạt động này cũng là để thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, có chủ trương điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư, tạo sự lan tỏa về công nghệ để góp phần nâng cao nội lực của nền kinh tế. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhất để doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sớm tham gia CMCN 4.0.
Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh CMCN 4.0, cơ hội dành cho khu vực tư nhân tiếp cận cuộc chơi về đổi mới sáng tạo sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm như thế nào?
Đảng và Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế và đã có nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh CMCN 4.0, chắc chắn vai trò của khu vực tư nhân lại càng được khẳng định. Các công nghệ mới của CMCN 4.0 đang lan tỏa nhanh chóng và khu vực tư nhân là thành phần năng động nhất trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ này. Có thể nói các doanh nghiệp tư nhân đang đi trước trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo, nhất là trong các các ngành dịch vụ.
Nhận thức được vai trò của khu vực tư nhân, các chính sách về CMCN 4.0 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đều hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; đồng thời tạo dựng một môi trường thể chế tốt nhất để họ phát triển.
Đặc biệt, việc tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) vừa qua là một hoạt động cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn cần thiết để họ có thể phát triển và vươn lên, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng có thể truyền tải thông điệp của Chính phủ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đại diện tới cộng đồng nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo?
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Việt Nam có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, đang phát triển nhanh đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, có tầng lớp trung lưu và khả năng chi tiêu ngày một tăng. Quan trọng hơn, Việt Nam có dân số trẻ, 67% dân số sử dụng Internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân. Hơn nữa, thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực. 61% người Việt tin rằng các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro và 63% thích hoàn thành nhiệm vụ bằng kỹ thuật/công nghệ hơn vào bất cứ khi nào có thể. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn cung cấp kỹ sư công nghệ đông đảo, kỹ năng cao, được thừa nhận trên thị trường thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2018 ước tính Việt Nam có hơn 3.000 startup, được cho là lớn thứ ba ở châu Á. Lượng vốn đầu tư vào các startup cũng tăng cao trong các năm gần đây. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới, hứa hẹn là một thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm.
Chính phủ Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trong hàng đầu trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa cho các startup phát triển, đồng thời cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất. Thu hút đầu tư mạo hiểm sẽ trở thành một trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Thưa Bộ trưởng, nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài (gắn với mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; đào tạo ươm mầm…) sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, trong bối cảnh CMCN 4.0, nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để các quốc gia có thể tiếp cận, khai thác các lợi ích của CMCN 4.0. Ngày nay, tri thức của con người; trong đó bao gồm trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, là đầu vào có tính quyết định của mô hình tăng trưởng mới. Do đó, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trọng tâm của Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng.
Để hiện thực hóa chủ trương đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để tăng cường nguồn lực con người của đất nước. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam để quy tụ, thu hút nhân tài công nghệ người Việt Nam trên khắp thế giới. Mạng lưới này là hạt nhân để phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI) tổ chức các khóa đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) và các cuộc thi công nghệ AI.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Cùng với các đối tác của mình Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo cho các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, nhân lực của các công ty và cán bộ cho các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước; đồng thời, Trung tâm sẽ có quỹ để hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng cần hỗ trợ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho nền kinh tế khi Việt Nam tham gia CMCN 4.0.
Ở tầm quốc gia, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng sẽ có các giải pháp chính sách để thúc đẩy công cuộc đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Hệ thống giáo dục và đào tạo sẽ có những điều chỉnh, mở rộng để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ của CMCN 4.0; đồng thời, Chính phủ cũng sẽ xây dựng các chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho công nhân có nhu cầu chuyển đổi công việc và xây dựng các chương trình đào tạo công nghệ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau khi đất nước thực hiện CMCN 4.0.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!