Nhiều nơi bị xâm nhập mặn sâu hơn so với năm 2016
Cụ thể, với ranh mặn 4g/l tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) với phạm vi ảnh hưởng sâu từ 95-100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất từ 15-20 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6 km, thấp hơn 20 - 30 km so với mức sâu nhất năm 2016 (năm có mức hạn, mặn cao nhất từ trước đến nay). Sông Cổ Chiên có phạm vi ảnh hưởng sâu khoảng 68 km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 24 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 km, sâu hơn khoảng 3km so với mức sâu nhất năm 2016. Sông Hậu có phạm vi ảnh hưởng sâu khoảng 66 km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 26 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 6 km, sâu hơn khoảng 6 km so với mức sâu nhất năm 2016….
Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, địa phương có đến hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân muộn được bà con xuống giống đã và đang thiếu nước trầm trọng, có nguy cơ sẽ mất trắng. Đã có những cánh đồng lúa chuyển dần qua màu trắng, cháy khô, đất mặt ruộng khô, nứt nẻ. Ông Trần Trí Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn Long Phú cho biết, vụ lúa Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238 ha. Thời điểm này, nhiều diện tích xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm.
Không chỉ thị trấn Long Phú, ruộng lúa tại nhiều cánh đồng ở các xã khác trên địa bàn huyện Long Phú như Long Đức, Trường Khánh, Tân Hưng… cũng trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, vụ Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện có khoảng 3.700 ha, diện tích này đã giảm nhiều so với hơn 15.000 ha của vụ mùa năm ngoái.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu Uỷ ban nhân dân Huyện khuyến cáo bà con không sản xuất lúa vụ 3; đồng thời, tiến hành nạo vét trên 23 công trình thủy lợi để giữ nước phục vụ cho sản xuất và thống kê lại các tuyến dân cư tập trung để có phương án cấp nước sinh hoạt nếu mặn kéo dài. Nhưng do nhiều nông dân vẫn chủ quan, xuống giống vụ 3, nên đã có hơn 1.500 ha bị ảnh hưởng nặng, dự báo thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí là mất trắng toàn diện tích vụ lúa Đông Xuân muộn của địa phương.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, trong tuần đầu tiên của tháng 2/2020, nồng độ mặn trên địa bàn tỉnh này tăng dần theo hai hướng triều biển Đông và biển Tây. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, trước tình hình nhiễm mặn diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn ở trung ương cũng như ở địa phương; cử cán bộ quan trắc độ mặn hàng ngày và thông tin cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn vùng xâm nhập mặn.
Ngành thủy lợi cũng sẵn sàng vận hành các công trình theo diễn biến xâm nhập mặn nhằm giữ nước ngọt và không làm ảnh hưởng việc đi lại bằng đường thủy của người dân. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 100 cống hở, 11 cống tròn thuộc 3 hệ thống công trình thủy lợi gồm đê bao Ô Môn - Xà No, hệ thống cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công bao gồm 4 huyện, thị duyên hải là: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã gieo sạ gần 24.500 ha; trong đó có trên 21.000 ha đang ở độ tuổi từ 31 ngày đến dưới 60 ngày tuổi đang cần nước bơm tưới chống hạn. Theo ngành chức năng, mùa khô năm nay thời tiết thủy văn khắc nghiệt. Mặn trên hệ sông Tiền xuất hiện sớm hơn cùng kỳ khoảng 1 tháng và lấn sâu vào nội đồng.
Hiện nay, ranh mặn theo cửa sông Tiền đã vượt qua khỏi thành phố Mỹ Tho xâm lấn sâu về phía thượng lưu, bao vây tứ phía các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang – đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi tại đây, đã cho đóng toàn bộ các cống lấy nước để ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến trà lúa vụ Đông Xuân.
Theo Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, trước tình hình diễn biến hạn mặn phức tạp đồng thời để đảm bảo hiệu quả phục vụ tưới tiêu cho trà lúa Đông Xuân trong vùng dự án, ngay từ đầu mùa khô 2019 - 2020, hàng trăm cán bộ, nhân viên của đơn vị chia nhau trực 24/24. Người trực tại các cống ngăn mặn, người lo đo và cập nhật diễn biến mặn ngoài sông Tiền, người thay phiên nhau trực bơm tát chống hạn tại những địa bàn trọng điểm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện diện tích lúa Đông Xuân hơn 50.000 ha của địa phương này từ 25 đến 40 ngày tuổi đang nằm trong tình trạng thiếu nước ngọt. Tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sông Tiền, xa các tuyến kênh đầu mối, vùng gò cao thuộc các huyện cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành đã có gần 10.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích do khô hạn, nhiễm mặn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Minh Truyền cho hay, hiện ngành nông nghiệp đang cùng các địa phương khảo sát thực tế đồng đánh giá thực trạng, kiểm kê nguồn nước ngọt tại các hồ chứa, hệ thống thuỷ lợi trên từng địa bàn để điều phối cân bằng nước, bổ sung phương án chống hạn, phòng xâm nhập mặn; đảm bảo sử dụng nước ngọt tiết kiệm cho lúa và cây trồng khác.
Chủ động các giải pháp ứng phó
Người dân ĐBSCL chuyển đổi sang trồng những loại cây chịu được hạn, mặn |
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng Đoàn công tác của Bộ vừa có chuyến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về công tác ứng phó với tình hình hạn, mặn. Đoàn đã khảo sát khu vực thu hoạch lúa Đông xuân và cống ngăn mặn trên địa bàn hai huyện Trần Đề và Long Phú.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ nghiên cứu và đánh giá sâu về các cống theo công nghệ mới, cách làm mới để hoàn thiện hệ thống thủy lợi không chỉ riêng của Sóc Trăng mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ứng phó với hạn, mặn, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động từ khá sớm.
Ví dụ như tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể; thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đối chiếu theo quy định để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất; bổ sung kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020 phù hợp với diễn biến của thời tiết; phân công, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay dự báo hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, nên từ giữa năm 2019, tỉnh này đã triển khai các giải pháp ứng phó. Đến nay, tỉnh đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, Tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000 m3...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, dự báo, hạn, xâm nhập mặn khả năng vẫn tiếp tục và không còn theo quy luật thường 5 năm lặp lại như trước đây. Vì tình hình bị tác động bởi từ thượng lưu, biển và nội tại của Đồng bằng sông Cửu Long. Cả 3 yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ đến hạn, mặn. Về thượng lưu, các thủy điện chính trên sông Mekong, sông Lan Thương - hai dòng chảy chính về Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày sẽ càng có nhiều hơn và bắt đầu đưa vào sử dụng. Nguy cơ cao là các nước thượng nguồn như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... cũng rất khó khăn về nguồn nước. Như vậy nước về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng ít đi.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, hạn, mặn năm 2015-2016, Việt Nam mất 1 triệu tấn lúa và 500.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt... Năm đó, ngành nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. Như vậy sự tác động ở Đồng bằng sông Cửu Long với toàn quốc là rất lớn. Năm 2019-2020, thiệt hại sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2015-2016. Bởi diện tích lúa dự báo sẽ chỉ bị ảnh hưởng khoảng 100.000ha, cây ăn trái khoảng 130.000 ha, 100.000 hộ thiếu nước. Nhưng đến thời điểm này, cùng với các giải pháp của Bộ, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, người dân, thiệt hại sẽ thấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Đối với sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục, hiện nay cơ cấu sản xuất khu vực này là lúa-trái cây-thủy sản, nhưng sau 2020, trục sản xuất sẽ là thủy sản-trái cây-lúa. Như vậy lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.
Muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, phải xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Chính vì thế hạ tầng thủy lợi phải đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi phải đáp ứng được cả sản xuất và sinh hoạt. Thủy lợi phải đa mục tiêu chứ không chỉ là tưới tiêu.
Sẽ có nhiều công trình được đầu tư theo hướng điều tiết mặn, ngọt bằng giải pháp là các cống đóng mở chủ động. Việc điều tiết này sẽ góp phần hạn chế việc lấy nước từ nước ngầm, tránh tác động đến sụt lún. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định thành lập Tổ tiền phương phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Tổ có 3 nhiệm vụ chính. Đó là Tổ phải nắm được thực trạng để từ đó đưa ra các quyết sách. Tổ sẽ phối hợp, hỗ trợ các tỉnh vì trong tổ rất nhiều chuyên gia để bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài về cả công trình và phi công trình. Tổ sẽ đề xuất với Bộ để Bộ đề xuất với Chính phủ những giải pháp, hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp nhằm đảm bảo mục tiêu không để xảy ra thiệt hại sản xuất, không để người dân không có nước ngọt.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn./.