Để lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng hiến kế giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam Bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”, diễn ra tại TP Vũng Tàu vào ngày 22/11 tới.
“Ai không làm, đứng sang một bên”
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông cho khu vực này. Thời gian qua, không ít công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…
Gần đây, nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, TPHCM-Mộc Bài, đường vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành…
Gần đây nhất, đầu tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Từ nay đến cuối năm, giai đoạn I nâng cấp đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ hoàn thành.
Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng đã tham dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong đó, có hai dự án thuộc địa phận Đông Nam Bộ, gồm dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99 km, giai đoạn 1 xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng, và dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài khoảng 100 km, trong giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 10.853.800 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp Đại sứ Bỉ, Đại sứ Hà Lan cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đang có ý định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với trị giá gần 1 tỷ USD. Hoan nghênh thúc đẩy dự án này, Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc, rằng ai làm chậm, Thủ tướng sẽ phê bình.
Về đường sắt, cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó coi nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam thời gian tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ, đã bộc lộ nhiều hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng…
Suốt 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng nhiều lần họp trực tuyến, làm việc, đưa ra nhiều quyết sách, dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển hạ tầng giao thông các địa phương Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát thực tế, lắng nghe kiến nghị, giải quyết vướng mắc, đôn đốc chuyện kết nối hạ tầng giao thông ở dự án sân bay Long Thành, ở đường vành đai 3, vành đai 4 cho đến chuyện Cảng Cái Mép - Thị Vải, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất…
Riêng sân bay Long Thành, Thủ tướng “nóng ruột” đến mức phải nhắc đi, nhắc lại: "Tháng 10, tỉnh Đồng Nai phải có 1.800ha đất sạch để khởi động một số hạng mục dự án sân bay", các bộ ngành tính toán kết nối hạ tầng đồng bộ với sân bay với tinh thần "tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ đợi, bị động… Ai không làm thì đứng sang một bên".
Theo nhiều chuyên gia, nhìn tổng thể, có thể thấy đây là những công trình, dự án mang tính sống còn cho sự phát triển của Đông Nam Bộ trong tương lai và cũng có ý nghĩa vô cùng lớn với sự phát triển của cả nước.
Lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, ngày 30/9/2020. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Để vùng phát triển bứt phá, bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất to lớn trong xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông, làm thay đổi bộ mặt cả vùng, kết cấu hạ tầng của Đông Nam Bộ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông.
Hiện, cả vùng Đông Nam Bộ mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc là tuyến TPHCM - Trung Lương, trong khi khoảng 80% lượng hàng hóa của các địa phương phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TPHCM. Thêm nữa, tuyến đường TPHCM-Trung Lương thường xuyên trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Một ví dụ nữa phải kể đến là tuyến Quốc lộ 51 từ tỉnh Đồng Nai đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài hơn 100 km với khá nhiều nút giao. Mặc dù quốc lộ 51 được nâng cấp, mở rộng thành 8 làn xe từ tháng 4/2013 với lưu lượng thiết kế 10.000 lượt xe/ngày đêm. Sau 5 năm đưa vào vận hành, lưu lượng phương tiện qua đây đã vượt 4 lần công suất thiết kế, trung bình 40.000 lượt xe/ngày đêm. Lúc cao điểm, con số này lên đến 48.000 lượt xe/ngày đêm, dẫn đến ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên.
Còn quốc lộ 22, con đường “độc đạo” nối TPHCM với Tây Ninh, tình hình cũng không khả quan hơn. Tuyến đường dài 58,5 km, mặt đường cũ, nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện tăng đến 8% mỗi năm nên rất hay xảy ra ùn tắc.
Để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này, cần rất nhiều giải pháp và các bộ, ngành, các địa phương phải chung tay cùng làm theo tinh thần "chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi" như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh, để hiện thực hóa giải quyết bài toán kết nối cho vùng này, sẽ còn rất nhiều chông gai.
Chẳng hạn, tuyến vành đai 3 được kỳ vọng sẽ san sẻ cho tuyến đường vành đai 2 này, nhưng cho đến nay, trong tổng chiều dài 98,5km với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020, chỉ trừ một đoạn 16km tại Bình Dương xây dựng xong năm 2011, các đoạn còn lại đã ngưng vì thiếu vốn.
Hay dự án đang cần được quan tâm như cầu vượt sông Thị Vải có tính chất quan trọng vì kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua đó, giúp liên kết toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với các khu vực Miền Đông và Tây Nam Bộ, phát triển kinh tế vùng trọng điểm, tạo trục vận tải cho các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hay tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với tuyến TPHCM – Trung Lương, tạo thông thương từ miền Tây sang miền Đông Nam Bộ, hiện đang gặp nhiều vướng mắc.
Về đường thủy, theo Cục Hàng hải Việt Nam, bên cạnh việc đã hoàn thành các tuyến đường kết nối đến cảng biển như Quốc lộ 1, Đoạn đường D3 kết nối với khu bến cảng Sài Gòn Hiệp Phước, nút giao Mỹ Thủy, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây,...hệ thống đường bộ kết nối đến cảng biển còn tồn tại một số bất cập, thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, trong khoảng 3,46 triệu TEU xuất nhập khẩu qua cảng Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2019, chỉ khoảng 14 đến 15% số lượng container sử dụng đường bộ và làm thủ tục Hải quan tại Bà Rịa - Vũng Tàu, còn lại phần lớn hàng hóa vẫn sử dụng sà lan đường thủy nội địa để về TP Hồ Chí Minh và khoảng 10% đến các khu vực khác để thông quan. Do đó gia tăng áp lực vận tải và hệ thống giao thông kết nối với với một số bến cảng lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, muốn phát triển cần 3 đột phá: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tuy nhiên, hiện TP và Đông Nam Bộ đang gặp nhiều thách thức, đó là hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đó đã làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp, thậm chí dẫn tới nguy cơ tắc nghẽn cả hoạt động sản xuất.
“Hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, tỉnh nào cũng cần. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ưu tiên đầu tư ở khu vực nào có khả năng sinh lời cao nhất, có khả năng tạo ra dòng vốn để tiếp tục đầu tư cho khu vực vùng sâu vùng xa. Theo tôi, khu vực Đông Nam Bộ đang có nhiều lợi thế”, PGS Trần Hoàng Ngân nói.
Nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy cả khu vực phía Nam phát triển mạnh mẽ, tương xứng tiềm năng và vị thế của cả vùng Đông Nam Bộ. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông cho cả vùng đòi hỏi chính sách "đột phá", nhiều giải pháp để tập hợp đủ nguồn lực.
Bên cạnh mở rộng các tuyến đường hiện hữu vốn đã quá tải theo quy hoạch, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, gấp rút gỡ vướng để hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành, còn phải triển khai các dự án kết nối giao thông. Có thể kể ra nhiều dự án mang tính cấp bách như như khép kín vành đai 2, 3, 4 với cầu vượt sông Thị Vải, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các dự các kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành, tuyến đường sắt kết nối TP.HCM - Bình Dương - Biên Hòa…
Kết luận Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án về cơ chế đặc thù vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách cho Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), trong đó có Vùng KTTĐ phía Nam, bảo đảm tính toàn diện, phù hợp đặc trưng của Vùng KTTĐ, tạo điều kiện cho Vùng KTTĐ phía Nam tăng tốc, phát triển bứt phá và bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của vùng KTTĐ phía Nam.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Về hạ tầng cơ sở, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng (các công trình kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, trục hướng tâm, vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế).
Điều này có ý nghĩa quan trọng khi đây là Vùng KTTĐ lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á. “Còn tương lai gần đó là 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm.