Về nguyên nhân, ông Vũ Đăng Định cho biết, tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời điểm chuyển mùa (tháng 3 và tháng 9). Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Đồng thời, ông Vũ Đăng Định cũng liệt kê 12 nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; Đun bếp than tổ ong, đốt củi; Phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, từ ngày 13/9 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội ở nhiều thời điểm trong ngày nằm ở mức “kém”, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức kém có ảnh hưởng tới sức khỏe con người về hô hấp.
"Để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề nghị tham khảo trên website của UBND thành phố Hà Nội và Sở TN&MT Hà Nội. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại, mong người dân tham khảo, đối chiếu với các trạm quan trắc chính thức", ông Vũ Đăng Định cho biết.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đang triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí như: Tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng máy quét, hút bụi; Xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành, vận động nông dân không đốt rơm rạ...
Còn ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, khi chất lượng không khí xuống mức kém, thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần đeo khẩu trang hợp quy chuẩn. Đối với người già, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí nên hạn chế ra đường; trẻ em các trường mầm non hạn chế vận tham gia các hoạt động ngoài trời và dã ngoại.
“Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp đặt 20 trạm quan trắc môi trường cố định và 12 trạm di động. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để giám sát diễn biến chất lượng của thành phố để có những cảnh báo kịp thời tới nhân dân. Dự báo đến 3/10 khi thời tiết có mưa và dông thì chất lượng không khí của Hà Nội sẽ dần được cải thiện”, ông Mai Trọng Thái cho biết.
Liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường Công ty Rạng Đông sau sự cố hỏa hoạn, ông Mai Trọng Thái cho biết các đơn vị chức năng đang xử lý xong khu vực 1 và đang tiến hành xử lý khu vực 2 và khu vực 3. Việc xử lý theo quy trình của Bộ Tư lệnh Hóa học. Dự kiến đến ngày 8/10 sẽ xong việc xử lý tẩy độc và dọn môi trường tại Công ty Rạng Đông.