Kết quả khảo sáy của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT thành phố Hà Nội) cho thấy, từ 15h ngày 19/2 đến 14h ngày 20/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc tăng mạnh, có 8/10 khu vực AQI ở mức kém.
Chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc (số liệu được cập nhật vào lúc 14h00 ngày 20/02/2019) cho thấy Nhìn chung, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc chủ yếu ở mức kém.
Riêng 2 khu vực là Kim Liên và Tây Mỗ mặc dù ở mức trung bình, tuy nhiên chỉ số chất lượng không khí khá cao lần lượt là 99 và 93, gần chạm ngưỡng kém.
Cụ thể, AQI tại các trạm: Trung Yên 3: 130 (Kém); Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 102 (Kém); Hoàn Kiếm: 102 (Kém); Hàng Đậu: 137 (Kém); Kim Liên: 99 (Trung bình); Thành Công: 115 (Kém); Tân Mai: 104 (Kém); Mỹ Đình: 101 (Kém); Phạm Văn Đồng: 136 (Kém); Tây Mỗ: 93 (Trung bình)…
Dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
AQI tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô (từ 15h ngày 19/2 đến 14h ngày 20/2) |
Cũng theo dữ liệu này, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí ở TP. Hồ Chí Minh có xu hướng xấu dần, dù tốt hơn Hà Nội trong cùng kỳ 3 năm gần đây. Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.
Số liệu từ tổ chức Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID- thu thập dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) thì 91% số ngày trong ba tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đã vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hà Nội là thành phố ô nhiễm xếp thứ 2 trong 23 thành phố được khảo sát ở Đông Nam Á.
Mặc dù kết quả nghiên cứu của Green ID cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội năm 2017 có cải thiện so với năm 2016, nhưng số ngày chất lượng không khí bị ở mức “rất có hại” và “có hại cho sức khoẻ” vẫn giữ xu hướng gia tăng.
Chất lượng không khí trong những ngày gần đây đang liên tục suy giảm, nguyên nhân là do thời tiết Hà Nội hanh khô, độ ẩm khá thấp, ít gió, thêm vào đó, lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng đã khiến nồng độ các chất ô nhiễm thải ra môi trường không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến nồng độ các chất thải ở mức khá cao.
Các biện pháp để xử lý ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn chưa hiệu quả. Tiến độ di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô còn chậm. Trong khi đó, dân số Hà Nội vẫn tiếp tục tăng mạnh, số phương tiện giao thông cá nhân tăng cao.
Cùng với việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020, thì việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng. Đây là đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vì sẽ “chặn” ô nhiễm từ gốc. Song, có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền cũng như nỗ lực của người dân.