Năm 2021 có nhiều biến động lớn; trong đó có dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu. Chế biến và xuất khẩu thủy sản chịu tác động không nhỏ.
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực để vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và những yếu tố khách quan về giá cước vận chuyển, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến cán đích 8,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản mang về nguồn kim ngạch vượt sự mong đợi trước những khó khăn vừa qua đều là sự nỗ lực của từng phân ngành nhỏ. Trong tất cả những nỗ lực này, tôm được toàn ngành xem như "nước cờ" chủ chốt để băng qua đại dịch.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 ước đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú đạt 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.
Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020. Cá tra và nhiều mặt hàng chủ lực như cá ngừ, bạch tuộc, mực... cũng đóng góp vào tăng trưởng chung này.
Canada hiện đang là thị trường đầy tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam. Theo nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng khoảng 7%/năm. Các mặt hàng của Việt Nam đã khẳng định vị thế tại Canada bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến khoảng 3,4 tỷ đôla Canada/năm, chiếm khoảng 30% thị trường Canada, cá basa khoảng 37 triệu đô la Canada/năm và cá ngừ (vây vàng và mắt to) khoảng 6 triệu đôla Canada, chiếm khoảng 80% thị trường Canada.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam được các doanh nghiệp đề ra mục tiêu sẽ đạt 8,9 tỷ USD trong năm 2022.