Ngày 17/9, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị “Kết nối du lịch Huế 2023” với sự tham dự của lãnh đạo 92 công ty lữ hành trên cả nước và hơn 70 công ty lữ hành Thừa Thiên-Huế.
Mục đích của hội nghị nhằm kết nối các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh; tìm kiếm phương án xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Cố đô Huế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đã khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, trong 8 tháng năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế đạt khoảng 2,1 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 672.000 lượt, gấp 9 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế mong muốn đẩy mạnh liên kết hợp tác với các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước theo nhiều hình thức để phát triển du lịch. Từ đó khai thác, phát huy hiệu quả những lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác của địa phương; góp phần giải quyết những vấn đề đang còn trăn trở của du lịch Cố đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy du lịch Thừa Thiên-Huế.
Đánh giá cao tiềm năng của du lịch Huế, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu..., cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại.
Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm rừng núi-vùng đồi-đồng bằng-đầm phá-biển.
Trong những năm qua, Thừa Thiên-Huế đã quan tâm, ban hành các đề án thúc đẩy phát triển du lịch và cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá…, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách.
Tỉnh phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án Phát triển Kinh tế đêm tại Thừa Thiên-Huế.
Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) được nâng cấp, hệ thống giao thông thuận tiện là những cơ sở cho du lịch địa phương phát triển xứng tầm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch Thừa Thiên-Huế còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch.
Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Bài toán làm sao thu hút du khách lưu trú lâu dài, chi tiêu nhiều hơn cũng là một trăn trở.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để du lịch Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa Thừa Thiên-Huế với các tỉnh lân cận, đặc biệt là liên kết 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư để hình thành các tour tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch.
Cục trưởng đề nghị Thừa Thiên-Huế trong mối liên kết hợp tác với Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam xem xét khôi phục tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” - một sản phẩm đã từng tạo nên thương hiệu của du lịch miền Trung, đã được khởi động từ cách đây 20 năm.
Hướng phát triển tới là nên làm mới và bổ sung thêm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính độc đáo, phù hợp trong bối cảnh mới.
Thừa Thiên-Huế cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Cục trưởng đánh giá cao thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó đặc biệt là Festival Huế.
Thành công của những sản phẩm du lịch độc đáo này là có sự gắn kết chặt chẽ với yếu tố văn hóa đặc trưng riêng có của Thừa Thiên Huế. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút cả du khách nội địa và tiếp cận thị trường khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Chuyển đổi Số đang là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đang là xu hướng mới trong kinh doanh và quản lý du lịch.
Trước đó, từ ngày 15-17/9, khoảng 90 doanh nghiệp lữ hành, hội lữ hành trong cả nước đã về Huế để tham gia chương trình famtrip Huế “Kinh đô xưa - trải nghiệm mới” nhằm tham quan, khảo sát, đánh giá các tour tuyến, điểm du lịch ở Huế.