Năm 2010, Hamza Boulaiz, 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật sân khấu và Hoạt hình (ISADAC) tại Rabat, đã thành lập công ty “Spectacle Pour Tous” với bạn bè của mình, dựa trên tiền đề: Dù giàu hay nghèo, từ thành phố hay nông thôn, mọi người đều phải tiếp cận với văn hóa.
Ba năm trước, công ty đã khánh thành rạp hát di động của mình: một nhà hát thực sự, 60 chỗ ngồi trên xe khách, đã rong ruổi khắp nẻo đường trên vương quốc và xa hơn, để đưa văn hóa vào cuộc sống ở những ngôi làng xa xôi, tiếp cận với nhiều đối tượng hơn nữa. Năm 2019, công ty muốn tiến xa hơn nữa và quyết định giới thiệu phiên bản thứ hai của chương trình thử nghiệm EXIT: Cuộc phiêu lưu kéo dài 12 giờ, bắt đầu ở Rabat, kết thúc ở nhà hát Aji Tfarej tại Tangier, và diễn ra trên xe buýt!
Đây là một vở diễn lưu động với sự tham gia của nhiều trẻ khuyết tật, một số phân cảnh sẽ được thực hiện tại các nhà hát bình thường ở Rabat hoặc Tangier; trong khi màn 6, từ 1h sáng đến 5h sáng, được thực hiện trên xe buýt. Ai muốn nghỉ ngơi giữa hai cảnh diễn cũng có chỗ ngả lưng. Và đêm diễn kéo dài từ ngày 30/4 đến ngày 1/5 chính là một “điều kỳ diệu của việc bắt đầu một cuộc phiêu lưu chung trong 12 giờ, từ thành phố này đến thành phố khác, đã diễn ra”, một trong những khán giả chia sẻ.
“Những diễn viên trẻ, tràn đầy niềm vui và sự tự tin sau màn trình diễn của họ, sẽ không bao giờ quên trải nghiệm rất đặc biệt này. Trải nghiệm này dựa trên một nguyên tắc triết học đơn giản: trong nhà hát, mọi người đều có thể tìm thấy vị trí của mình, vì nghệ thuật không biết khuyết tật” - Hamza Boulaiz nhận định. Sáng kiến này, dẫn dắt bởi những người trẻ tuổi, coi nghệ thuật là một phương tiện mạnh mẽ để thúc đẩy hòa nhập và hòa bình, được hỗ trợ bởi dự án chung giữa UNESCO và UNOCT - Ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực thông qua trao quyền cho thanh niên ở Jordan, Libya, Morocco và Tunisia.