Báo Tiền Phong đưa tin, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh dẫn đầu ngày 3/7, BS CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TPHCM cho biết, sau khi điều tra, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng tráo đổi thuốc trong BV và đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ việc.
Theo BS Dũng, đây là sự cố đáng tiếc, bệnh viện ưu tiên khắc phục cho bệnh nhân và khắc phục quản lý sự cố. BV đã họp hội đồng chuyên môn nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và đình chỉ công tác các cá nhân liên quan. BV cũng cử các bác sỹ giỏi nhất chăm sóc và theo dõi sát người bệnh, đáp ứng các yêu cầu của gia đình. Hiện sức khỏe bệnh nhi trong 1 tuần nay ổn định.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, với sự việc này, BV Truyền máu Huyết học TPHCM cần tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục, xử trí, rút kinh nghiệm để tránh mắc lại, đem lại niềm tin cho người dân. PGS Khuê cũng đề nghị BV xem xét xử lý vấn đề nội bộ, đồng thời rà soát lại quy trình tại các khoa, phòng, không để tái diễn sự việc tương tự.
Đồng thời cần cung cấp đầy đủ thông tin cho Công an điều tra một cách trung thực, kịp thời, phản ánh đúng, công khai, khoa học... và quản lý tốt công tác thông tin báo chí.
Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM. - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trước đó, sáng 1/7, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, thân nhân bệnh nhi L.T.K.C. (4 tuổi, chẩn đoán suy tủy mức độ nặng) cho biết đã nhận thông báo chính thức từ BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM về kết quả họp hội đồng chuyên môn.
Theo đó, bệnh viện gởi lời xin lỗi gia đình bệnh nhi về sự cố. Bệnh viện cho biết, Antithymocyte Globuline (Thymogam) là thuốc điều hòa miễn dịch, bản chất porotein. Phản ứng không mong muốn của thuốc Thymogam quá hạn nếu có xảy ra chỉ là phản ứng phản vệ thường xuất hiện trong 15 ngày đầu sau truyền.
Đây cũng là phản ứng không mong muốn thường gặp đối với các loại thuốc Thymogam nói chung, không làm xấu thêm tình trạng bệnh nhi.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát các tác dụng không mong muốn do thuốc có thể xảy ra. Bệnh viện đảm bảo tăng cường các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm để thăm khám, theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bé một cách chu đáo", thông báo nêu rõ.
Về việc điều trị tiếp theo cho bé, căn cứ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong nước và thế giới, Hội đồng thống nhất quyết định bổ sung thêm 1 lọ Thymogam cho bé. Do vẫn còn trong vòng 14 ngày đầu phác đồ nên việc bổ sung thuốc vẫn đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Đối với trường hợp suy tủy mức độ nặng, hiệu quả đáp ứng điều trị bằng phác đồ ATG (Thymogam) + CsA được đánh giá sau 3-6 tháng và tỉ lệ đáp ứng điều trị là 50%. Trường hợp bệnh nhi C. đã trì hoãn điều trị đặc hiệu 8 tháng nên tỉ lệ đáp ứng có thể thấp hơn.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp suy tủy xương mức độ nặng, các nguy cơ, biến chứng do bản thân của bệnh lý như thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết vẫn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và chờ đợi đáp ứng, có thể không liên quan đến các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Anh Lê Anh Vũ - bố bệnh nhi C. cho rằng, kết quả thông báo trên của bệnh viện chỉ tập trung giải thích về góc độ chuyên môn và chưa đưa ra tài liệu hay nghiên cứu cụ thể nào về việc truyền thuốc biệt dược hết hạn 6 tháng mà không gây bất kỳ độc tố nào.
Bên cạnh đó, văn bản cũng chưa thấy cam kết nào từ bệnh viện về việc đảm bảo sức khỏe, điều trị và hướng khắc phục sự cố cụ thể nào nhằm đảm bảo quyền lợi cho bé C.