Nhóm Quyền làm giả các quyết định có dấu, chữ ký lãnh đạo, gài bẫy 43 người có nhu cầu vào ngành công an, chiếm đoạt tiền tỷ.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất hồ sơ, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Trần Trọng Quyền, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Trọng Mạnh, Lê Đức Thọ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến hành vi lừa đảo còn có Đỗ Thị Len. Do cảnh sát mới bắt giữ được bị can này nên VKSND Tối cao đã trả hồ sơ để gộp vào vụ án.
Theo cơ quan chức năng, anh Tùng có nguyện vọng xin vào ngành công an, qua người quen anh nghe Thanh có khả năng lo lót được. Gặp nhau, anh Tùng được Thanh cho xem trên điện thoại di động các bức ảnh chụp một số đơn xin việc có chữ ký của lãnh đạo Bộ Công an, giấy tờ quyết định tuyển dụng vào ngành...
Tin tưởng những "chứng cứ" này, anh Tùng đã nộp trước hồ sơ. Tháng 10/2015, Thanh chuyển hồ sơ cho Thọ và đầu mối chính là Quyền. Anh Tùng được hứa sẽ vào Cục hồ sơ an ninh với chi phí 450 triệu đồng.
Tuy nhiên, Thọ báo với Thanh sẽ lấy của anh Tùng 650 triệu đồng, tiền chênh lệch chia đôi. Cả nhóm giục anh Tùng chuyển tiền vì thời gian gần cuối năm cần phải làm gấp, đi khám sức khỏe cho kịp.
Giữa tháng 11/2015, anh Tùng đã chuyển trước 200 triệu đồng cho Thanh. Sau đó, Thanh chuyển cho Thọ và anh ta đưa cho Quyền 100 triệu đồng. Nhận tiền đặt cọc, Quyền đưa hồ sơ tự khai vào ngành công an. Khai xong lý lịch, anh Tùng chuyển tiếp 350 triệu đồng.
Để anh Tùng tin tưởng, bộ ba tổ chức cho bị hại đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 198 Bộ Công an.
Tháng 4/2016, nhiều lần bị thúc giục, Quyền đã nhờ người làm giả Quyết định kèm theo danh sách những người dự kiến tuyển dụng vào ngành, có dấu đỏ và chữ ký của Bộ trưởng, trong đó có tên anh Tùng.
Lừa cả em gái nạn nhân
Cũng trong thời gian "chạy" cho anh Tùng, biết em gái anh này có nguyện vọng vào ngành, Thanh gợi ý giúp. Sau đó, cô ta nói lại cho Quyền biết.
Qua Mạnh, nhóm này đã liên hệ với Len và được hứa sẽ lo cho em gái anh Tùng vào Viện chiến lược Bộ Công an làm việc với chi phí 500 triệu đồng. Len đã chuyển cho Mạnh cuốn mẫu lý lịch tự khai dùng cho tuyển chọn người vào ngành.
Trong khi đó, Quyền báo giá với bị hại là 800 triệu đồng để hưởng chênh lệch 300 triệu.
Để gia đình bị hại tin tưởng, Quyền và Thanh đưa ra thông tin giả với nội dung: Đang cần một chỉ tiêu công tác tại Viện Chiến lược thay thế con ông thiếu tướng. Người này đã hoàn thiện hồ sơ nhưng bị gãy chân, ngành không tuyển nữa.
Cuối tháng 5/2016, Mạnh trong vai "cán bộ Cục Cảnh sát Công nghệ cao" cùng Len đưa cô gái đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 198 Bộ Công an. Sau đó, Len thúc giục gia đình cô gái chuyển trước 50% tiền để dẫn lên gặp lãnh đạo có thẩm quyền. Nhóm lừa đảo đã nhận của gia đình nạn nhân là 800 triệu đồng.
Nhận tiền xong của các nạn nhân, nhóm này chia nhau và không lo được cho họ vào ngành công an như đã hứa. Anh Tùng và gia đình đã tố cáo tới cơ quan chức năng.
Nhà chức trách xác định, từ năm 2014 đến năm 2016, nhóm Quyền nhận tiền của 43 người. Tuy nhiên, đến nay chỉ tám người trình báo bị nhóm Quyền chiếm đoạt hơn năm tỷ đồng.
Cảnh sát đã tách rút hồ sơ và tiếp tục làm rõ hành vi đồng phạm của một số cá nhân.