Đường lối đối ngoại của các ứng viên tổng thống Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trước thềm cuộc bầu cử, các ứng viên tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất nhiều chiến lược đối ngoại khác nhau nhằm đối phó với bối cảnh địa chính trị đang biến chuyển ngày càng phức tạp.
Hai ứng cử viên tổng thống Lee Jae-myung (trái), của Đảng Dân chủ đồng hành và Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Nhân dân. Ảnh: AP
Hai ứng cử viên tổng thống Lee Jae-myung (trái), của Đảng Dân chủ đồng hành và Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Nhân dân. Ảnh: AP

Trong một cuộc tranh luận công khai, một ứng cử viên phe bảo thủ cho biết ông sẽ gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi đắc cử. Trong khi đó, ứng viên theo chủ nghĩa tự do vẫn chưa đưa ra câu trả lời chắc chắn về chính sách đối ngoại.

Đáng chú ý, một nữ ứng viên cho biết sẽ ưu tiên đối thoại với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nếu giành được chiến thắng. Tuy nhiên, không ứng viên nào đề cập đến việc ưu tiên xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc.

Câu trả lời của các ứng viên tổng thống cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng trong chính giới Hàn Quốc về đường lối đối ngoại. Việc Hàn Quốc chọn đi theo con đường nào cũng rất quan trọng vì quốc gia này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực mà Mỹ, Trung Quốc và châu Âu coi là trọng yếu.

Một trong những thách thức hàng đầu về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ - một đồng minh lâu năm, và Trung Quốc - một đối tác thương mại hàng đầu, Trung Quốc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo tương lai của Hàn Quốc sẽ phải đương đầu với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và giải quyết các xung đột trong quan hệ với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Nhiều nhà phân tích nhận định, các ứng viên tổng thống Hàn Quốc hiện đang thiếu đi tầm nhìn dài hạn.

Ông Kim Heung-kyu, Giám đốc Viện Chính sách Mỹ-Trung tại Đại học Ajou, cho biết: “Bất cứ ai trở thành tổng thống sẽ phải đối mặt với chính sách đối ngoại và tình hình an ninh cực kỳ khó khăn. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc chiến giành quyền bá chủ trong khu vực một lần nữa."

Bị kẹp giữa các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên từ lâu đã chịu tác động từ phía bên ngoài.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã phát triển thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á và một cường quốc văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Trung hiện tại đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh chiến lược, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang phải vật lộn để đạt được sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cả hai quốc gia này đều gây áp lực buộc Seoul phải đứng về phía họ. Ví dụ, vào năm 2017, Trung Quốc đã trả đũa kinh tế đối với Hàn Quốc về quyết định cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa.

Khi mâu thuẫn Mỹ-Trung xuất hiện, Triều Tiên có thể sẽ là ưu tiên chính sách ít cấp bách hơn ở cả Washington và Bắc Kinh. Theo một số nhà phân tích, điều đó có thể giúp Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc.

Ông Kim Tae-woo, cựu lãnh đạo Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc chỉ ra rằng “Hàn Quốc thường khó xác định cách hành động trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc”.

Cũng có những lo lắng về nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa ba nước đồng minh tại Đông Bắc Á bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh các tranh chấp lịch sử mới giữa Seoul và Tokyo, mối quan hệ giữa hai nước hiện đang ở mức thấp kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965.

Các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đã tranh luận gay gắt về cách giải quyết những vấn đề này.

Ông Yoon Suk-yeol, ứng cử viên phe bảo thủ, thề sẽ coi liên minh với Mỹ trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Ông muốn tăng cường hợp tác quân sự ba bên với Washington và Tokyo, tung đòn phủ đầu vào Triều Tiên nếu nước này có dấu hiệu tấn công và có lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình vào tháng trước, ứng viên Yoon Suk-yeol cho biết nếu đắc cử sẽ nhanh chóng gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau đó là Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, rồi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong khi đó, ứng viên Đảng Dân chủ đồng hành Lee Jae-myung lại ủng hộ chính sách ngoại giao thực dụng giữa Washington và Bắc Kinh, cho rằng việc đứng về một bên sẽ là “ý tưởng nguy hiểm nhất”.

Cách tiếp cận của ông Lee với Triều Tiên sẽ tương tự như chính sách của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, đồng thời sẽ thúc đẩy việc miễn trừ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc để khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều đang bị gián đoạn. Vị ứng viên này lại có quan điểm cứng rắn về quan hệ với Nhật Bản.

Hai ứng viên hàng đầu này cũng xung đột về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong một cuộc tranh luận khác trên truyền hình vào ngày 25/2, ông Lee đã lên án Nga nhưng cũng gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là một người non kinh nghiệm chính trị, khi ngả về phía NATO và kích động Nga tiến hành xung đột. Còn ông Yoon cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã chứng minh lý do tại sao một quốc gia cần có khả năng quốc phòng mạnh mẽ và một đồng minh hùng mạnh khi đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Nhà phân tích Du Hyeogn-cha từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết các chính sách của Yoon và Lee dường như là sự lặp lại của các chính sách trong quá khứ và cả hai đều không giải thích được chính xác cách họ sẽ giải quyết các thách thức an ninh và hành động tức thời mà họ sẽ thực hiện.

Cả Lee và Yoon đều thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Lee Jae-myung là cựu thống đốc tỉnh Gyeonggi còn ông Yoon Suk-yeol là một cựu tổng công tố viên mới bước sang con đường chính trị vào năm ngoái.

Nếu Yoon trở thành tổng thống, một số nhà phân tích lo lắng rằng ông có thể không tránh được xích mích với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, mặc dù có thể tăng cường quan hệ với Washington và sửa chữa các mối quan hệ đã rạn nứt với Tokyo.

Còn chính quyền mới của ông Lee có thể sẽ bị chỉ trích vì nghiêng về Bắc Kinh và rời xa Washington, cũng như quá mềm mỏng với Bình Nhưỡng, đúng như những chỉ trích mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang phải nhận.

“Họ cần nói về một chiến lược lớn", giáo sư Park Won-gon từ Đại học Ewha Womans chỉ ra. “Ông Lee đang hướng về chủ nghĩa thực dụng còn ông Yoon lại nói về lợi ích quốc gia, nhưng cả hai đều là những khái niệm rất mơ hồ.”

Hàn Quốc đang phải đối mặt với những bước đi khó khăn trong việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ trong khi tránh bất kỳ động thái nào có thể gây phản cảm với Trung Quốc. Nó cũng có thể sẽ cần mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và các quốc gia khác có chung lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhà phân tích Kim Heung-kyu nhận định rằng biết Hàn Quốc không cần phải tỏ ra thụ động trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Kim cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến của Hàn Quốc và các năng lực khác khiến nước này trở thành đối tác hấp dẫn cho cả hai cường quốc.

“Hàn Quốc hiện là trung tâm của cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu chúng ta không tận dụng được những gì mình đang có, điều đó chứng minh chúng ta bất tài và vô trách nhiệm.”

Theo AP
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.