Trong thư gửi tới Quốc hội ngày 24/3, Zuckerberg đề xuất một số thay đổi đối với Mục 230 - thuộc Đạo luật Khuôn khổ Truyền Thông 1996 - điều luật mà trong đó nêu rõ các nền tảng kỹ thuật số như Facebook không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những nội dung mà người dùng đưa lên mạng của mình, theo Wall Street Journal.
Người sáng lập ra Facebook cho rằng thay vì đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ pháp lý, các nền tảng này phải đảm bảo có đủ năng lực công nghệ sẵn sàng phát hiện các nội dung bất hợp pháp và gỡ bỏ những nội dung đó.
Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hiện đều quan ngại Mục 230 đang tạo cho các công ty công nghệ quá nhiều quyền quyết định cho người Mỹ xem thông tin gì. Kể từ khi được áp dụng, Mục 230 đã tạo cơ hội giúp truyền thông xã hội tăng trưởng mạnh bởi điều luật này cho phép các hãng công nghệ sở hữu mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về những bình luận, nhận xét mà người dùng đưa lên mạng.
Bà Evan Greer, phó giám đốc tổ chức Hành động vì Tương lai (Fight for the Future), cho biết bà phản đối việc sửa đổi Mục 230 bởi làm vậy sẽ tạo bất lợi cho các nền tảng kỹ thuật số nhỏ hơn hoặc các công ty công nghệ khởi nghiệp vốn không có nguồn lực bằng các hãng công nghệ khổng lồ.
Bà Greer cho rằng ý tưởng thay đổi Mục 230 của Zuckergerg là nhằm củng cố vị trí độc quyền của hãng này và đập chết sự cạnh tranh của các nền tảng kỹ thuật số nhỏ hơn.
Đề xuất của ông Zuckerberg được đưa ra ngay trước thềm phiên họp của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức ngày 25/3 về chủ đề “Vai trò của mạng xã hội đối với việc phát tán thông tin sai lệch và kích động chủ nghĩa cực đoan”.
Nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội đang có quyền gỡ bỏ quá nhiều nội dung của người dùng trong khi phe Dân chủ lại cho rằng việc gỡ bỏ nội dung không phù hợp hiện nay chưa đủ và tình trạng phát tán nội dung độc hại vẫn lan nhanh. Chính những bất đồng chia rẽ này khiến Quốc hội Mỹ sẽ khó đạt được nhất trí trong việc nên thay đổi Mục 230 như thế nào.
Từ nhiều tháng nay, Facebook đã công khai ủng hộ phải có quy định quản lý không gian mạng. Trong khi đó, Twitter và Google đều tỏ rõ họ sẵn sàng thảo luận về những đề xuất thay đổi pháp lý với Quốc hội nhưng không nêu cụ thể họ muốn thay đổi Mục 230 như thế nào.
Về phía Zuckerberg, ông cho rằng các nền tảng trực tuyến không thể chịu trách nhiệm khi để lọt nội dung độc hại được đưa lên mạng bởi điều đó là không khả thi khi mỗi ngày có tới vài tỷ bài viết nhưng các công ty sở hữu nền tảng trực tuyến cần phải có hệ thống công nghệ đủ mạnh đáp ứng được việc chủ động sàng lọc các nội dung độc hại.