"Tôi từng nghĩ nơi này sẽ rất nguy hiểm cho phụ nữ. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ an toàn ở đây. Với tư cách là một phụ nữ đi du lịch, tôi cảm thấy rất an toàn", Ellie Molloson - một fan hâm mộ của tuyển Anh, cho biết.
Molloson, người đang là đại sứ cho chiến dịch giải quyết vấn đề phân biệt giới tính trong bóng đá có tên HerGameToo, nói rằng cha cô đã lo lắng đến mức ông đã đi cùng cô đến Qatar. Nhưng những gì thực sự diễn ra tại Qatar cho thấy ông Molloson đã lo xa.
Cô gái 19 tuổi nói rằng việc nước chủ nhà hạn chế rượu bia đã góp phần làm bầu không khí bớt tục tĩu hơn xung quanh các trận đấu tại World Cup, nhưng theo ý kiến của cô, đó chủ yếu là do yếu tố văn hóa của nước chủ nhà.
"Tôi nghĩ rượu bia góp phần gây ra sự thù địch nhiều hơn một chút, hơn là những thứ như huýt sáo và quấy rối tình dục", Molloson giải thích. "Tôi thực sự thích những lời nói đùa, tôi thích một bầu không khí vui vẻ. Nhưng ở Qatar lại thiếu vắng những thứ này. Cảm giác tại đây rất khác, nhưng cũng dễ chịu và thân thiện với gia đình hơn".
Với Ariana Gold - người đi theo cổ vũ đội tuyển Argentina, việc đi du lịch tới một quốc gia Trung Đông từng khiến cô cảm thấy lo lắng.
"Trước đây, tôi cứ nghĩ giải đấu tại Qatar sẽ chỉ là nơi dành cho đàn ông và có thể không thoải mái với phụ nữ nhưng không, tôi rất thoải mái và cảnh vật ở đây rất đẹp", cô gái 21 tuổi nói.
Rượu bia dù vậy vẫn được bày bán trong một số quán bar và khách sạn ở Qatar, nhưng cảnh tượng người hâm mộ uống bia ngay trong sân vận động tại nhiều kỳ World Cup trước đã biến mất.
"Bầu không khí vẫn khá tốt, mặc dù không có đồ uống và mọi người đều có ý thức", người hâm mộ đội tuyển Anh Emma Smith nói. "Mọi người đã làm quen với quy định và hài lòng khi tới đây. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi mọi người ở đây uống ít rượu bia".