Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, ông Derek Manzello, điều phối viên thuộc Chương trình Theo dõi Rạn san hô của NOAA, cho biết khoảng 60,5% (tương đương ⅔) các rạn san hô trên thế giới đã phải chịu mức nhiệt cao đủ để gây ra hiện tượng tẩy trắng, một mối đe dọa lớn đến sức khỏe của san hô.
Tẩy trắng san hô xảy ra khi điều kiện đại dương trở nên bất thường, chẳng hạn như khi nhiệt độ nước ấm hơn hoặc lạnh hơn, hay có tính axit cao hơn bình thường. San hô sẽ phản ứng lại bằng cách trục xuất các loại tảo quang hợp nhỏ sống trong mô của chúng, khiến cho loài sinh vật biển vốn có màu sắc rực rỡ này chỉ còn một màu trắng ma quái.
Các mối đe dọa hiện nay xuất hiện ngay sau đợt sóng nhiệt cao kỷ lục đã tác động đến hầu hết các lưu vực đại dương trên thế giới vào năm ngoái.
Ông Manzello cho biết nhiệt độ năm ngoái ấm áp một cách bất thường ở các khu vực Đại Tây Dương, Biển Caribe và Vịnh Mexico, đến mức hệ thống cảnh báo của NOAA ghi nhận mức độ sốc nhiệt vượt trên cả mức độ cảnh báo hiện có.
“Chúng tôi đã phải bổ sung thêm các mức cảnh báo tẩy trắng để có thể phân loại chính xác mức độ nóng thực tế”, vị này tuyên bố.
Hệ thống cảnh báo tẩy trắng phiên bản cập nhật, được công bố vào tháng 12, đã phân loại sốc nhiệt theo thang mức độ nghiêm trọng từ 1 đến 5.
“Đối với Cảnh báo Mức độ 5, chúng tôi ước tính rằng khoảng 80% hoặc nhiều hơn số lượng san hô trên một rạn san hô cụ thể có sẽ thể chết”, ông Manzello nói. “Điều này tương tự như với cảnh báo bão hoặc lốc xoáy cấp 5.”
Giám sát hàng ngày về điều kiện đại dương trên khắp thế giới do Cơ quan Theo dõi Rạn san hô của NOAA đã công bố các khu vực có Cảnh báo Tẩy trắng Cấp 4 ở trung tâm Thái Bình Dương và ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Nam Mỹ, cùng với một số dải Cảnh báo Cấp 5 ở phía nam Đại Tây Dương.
Ông Manzello nhận định tầm ảnh hưởng đã lan rộng, với hiện tượng tẩy trắng “đã xảy ra tại ít nhất 62 quốc gia và các vùng lãnh thổ kể từ tháng Hai năm 2023, trải dài khắp bán cầu bắc và nam của tất cả các lưu vực đại dương.”
Ông còn nói thêm, chỉ tính riêng nhiệt độ nước ở khu vực Đại Tây Dương đã đạt mức “chưa từng có và khắc nghiệt nhất”, và cho biết 99,7% khu vực các rạn san hô tại Đại Tây Dương đã trải qua sốc nhiệt đến mức tẩy trắng trong những vừa năm qua.
Tẩy trắng không nhất thiết sẽ giết chết san hô, nhưng quá trình này khiến các rạn san hô trở nên dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Vào tháng trước, NOAA xác nhận rằng Trái đất đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu do nhiệt độ đại dương cao kỷ lục. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Niño, thường đi kèm với nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn bình thường, khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo NOAA, 56,1% rạn san hô trên thế giới đã bị ảnh hưởng từ sau sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu xảy ra gần đây nhất, kéo dài từ năm 2014 đến năm 2017.