Thèm ngủ
Kết quả khảo sát trong dự án "Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh” của 2 học sinh tuổi trăng rằm Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (trường THPT Gia Định, TP HCM) đưa ra tại vòng Chung kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học TP HCM năm học 2017-2018 đã khiến không ít giáo viên, cha mẹ phải suy nghĩ.
Thùy Trang và Khánh Vy cùng nhau tiến hành khảo sát 7.363 bạn học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Dự án nhận được những con số giật mình: Cứ 5 học sinh thì có đến 4 học sinh gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do thiếu ngủ, mất ngủ. Có 44,1% học sinh không ngủ trưa, hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng để kịp hoàn thành lịch học dày đặc trong ngày. Những con số đó nói lên sự thiếu ngủ trầm trọng của nhiều học sinh đang trong giai đoạn tuổi ăn tuổi lớn.
Đây không chỉ là tình trạng phổ biến của học sinh TP HCM mà diễn ra ở cả Hà Nội và tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Không chỉ thiếu ngủ, học sinh hiện nay thiếu cả những bữa ăn trọn vẹn và thong thả bên gia đình, các em phải ăn vội trên yên xe, ăn thật nhanh cho kịp ca học, mưa nắng không đến đầu… Thời khóa biểu học văn hóa, học thêm, học bồi dưỡng kín mít, những buổi chạy xô đến “lò luyện”, những ngày cuối tuần vùi đầu trong bài tập... Nhiều học sinh khi được hỏi đã hồn nhiên ước: “Ước gì em được nghỉ một ngày và ngủ no mắt từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng”.
Điểm số không quan trọng, kiến thức mới quan trọng - rất nhiều giáo viên và phụ huynh hiểu điều đó, nhưng lại không thể khiến con em mình hiểu. Trong cỗ máy giáo dục ấy, cứ đến mỗi mùa thi, điểm số trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của học sinh cả nước.
Học sinh đuối sức với đề cương toán-lý-hóa chứa hàng trăm bài từ dễ đến khó. Đề cương văn-sử-địa thì dày hơn cả mấy cuốn sách giáo khoa gộp lại. Chưa kể khối lượng kiến thức dồn toa của các môn khác: Sinh học, Giáo dục công dân, tiếng Anh… Học sinh lớp 12 hoang mang trước khối lượng kiến thức sắp thi THPT quốc gia 2018 được khoanh vùng trải dài từ lớp 11 sang lớp 12. Đối mặt với biển kiến thức đó, học sinh không còn cách nào khác phải học, học và học.
Chạy trốn bằng tự tử
Cái chết của em H.T.C - học sinh lớp 10E3 trường THPT Nguyễn Khuyến (Quận Tân Bình – Tp Hồ Chí Minh) ngày 10/4 mới đây là một ví dụ cho câu chuyện học sinh bế tắc, mệt mỏi không biết chia sẻ cùng ai, không biết thoát ra bằng cách nào. Trước khi tự tử, C đã để lại 2 bức thư tuyệt mệnh, một bức gửi cho gia đình, một bức gửi cho lớp. Nội dung bức thư, C nói do áp lực học tập và áp lực từ gia đình, muốn em có điểm học tập cao hơn, đạt học sinh giỏi. Trong thư có đoạn: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi”. Được biết, C có thành tích học tập rất tốt, điểm trung bình học kì 1 là 8.9. Gia đình C ở Đắk Lắk, có truyền thống học tập rất giỏi.
Trước đó, đầu tháng 1/2018, dư luận rúng động khi đọc lá thư tuyệt mệnh trước khi tìm đến cái chết bằng cách treo cổ trong chính lớp học của nữ sinh T.T.P.L, học sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cô bé được thầy cô, bạn bè nhận xét là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
Cách đó không xa, em Đ.T. T. T, 16 tuổi, ngụ xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập – Bình Phước, học sinh lớp 11B, trường THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng chọn cách lao mình xuống đập nước để kết thúc cuộc đời. Sau cái chết đầy uất ức của em, gia đình phát hiện em để lại 5 lá thư tuyệt mệnh trong đó có 2 là thứ gửi cho bố mẹ, còn lại gửi cho bạn bè. Trong thư em cũng nói đến lý do ra đi vì kết quả học tập không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, của chị gái.
Bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh lớp 11 |
Những dòng thư đầy ám ảnh của em khiến không ít người chảy nước mắt: “Năm nay con được học sinh trung bình, con phụ lòng bố mẹ rồi, tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nỗi nữa rồi. Con… mệt… con … nản… Từ trước đến giờ con luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh… rằng… bố mẹ tạo áp lực… con trách con rằng con không lo học hành để rồi bây giờ làm cho bố mẹ buồn như thế. Con trách con rằng, con không nghe lời bố mẹ, để rồi bây giờ cuộc đời tối tăm như thế. Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt…. Hết rồi, tất cả kết thúc rồi... Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được…”.
Theo kết quả điều tra y tế học đường gần nhất của Bộ Y tế và Bộ GD – ĐT ở giai đoạn 2011 – 2015, số lượng học sinh có ý định tự tử đang ngày một tăng cao. Cứ 5 học sinh lại có 1 em từng có ý định tự tử. Tại Tp Hồ Chí Minh, mỗi năm bệnh viện Nhi Đồng 1 tiệp nhận gần 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử.
Dự án hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế Hà Nội và bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương với Đại học Melbourne (Australia) với chủ đề chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường tại Hà Nội năm 2017 cũng đã đưa ra những con số đáng giật mình. Cụ thể, khảo sát từ dự án cho thấy: 19,46% học sinh độ tuổi từ 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Những áp lực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên hầu hết bắt nguồn từ việc học, tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở, không đạt được kỳ vọng là nỗi ám ảnh đối với các em, đặc biệt là học sinh lứa tuổi THPT và điển hình là học sinh lớp 12.
Áp lực thi cử không nặng bằng áp lực từ cha mẹ
Chương trình học giờ đã bớt nặng, áp lực thi cử cũng không còn là nỗi lo quá đáng sợ cho học sinh, nặng nhất với học sinh giờ là kỳ vọng quá cao của cha mẹ. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nguyên Chuyên viên Tư vấn tuyển sinh VP2 – Bộ GDĐT) khi trao đổi với PV Ngày Nay về áp lực thi cử. “Tôi nghĩ hiện nay học sinh bị cha mẹ áp đặt vào lịch học quá dày, lũ trẻ không được tự chủ trong việc chọn lựa môn học, lựa chọn những bộ môn yêu thích… Cứ thế ngày nào cũng theo guồng quay do cha mẹ sắp đặt sẵn. Nhiều em học sinh không rõ mình thích môn học nào, thích ban xã hội hay tự nhiên… việc chọn trường cũng do một tay cha mẹ cân nhắc”. Cơ hội để con cái có thời gian chia sẻ tâm tư, nói chuyện với cha mẹ bị thu hẹp, thậm chí có đứa trẻ không dám nói lên suy nghĩ của mình vì… sợ.
Theo TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội - Viện Xã hội học: “Tôi đã nghe nhiều câu chuyện buồn từ hệ quả của áp lực con phải đạt thủ khoa, con phải học giỏi như cô bé hàng xóm, con phải đỗ trường chuyên, đỗ đại học… Nhiều em bị trầm cảm, phát ốm, phát điên vì bố mẹ la mắng khi có kết quả thi không như mong muốn. Có em xấu hổ vì thi trượt đã phải bỏ nhà đi bụi, tự tử, vì không muốn đối mặt với người nhà, các em sợ nhìn thấy cha mẹ bực mình, nổi giận hay sợ cha mẹ bị… nhục với hàng xóm, họ hàng”. Cũng theo ông Trịnh Hòa Bình, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ coi nặng về thành tích, bằng cấp và kỳ thi ĐH, CĐ tạo nên vô hình tạo gánh nặng với con cái. Nhiều bậc cha mẹ luôn đem những tấm gương 'cô bé chăn lợn đạt thủ khoa' hay 'mẹ quét rác, con đỗ thủ khoa 3 trường' để nhắc nhở con, so sánh con với những gương sáng học tập mà không hiểu học lực của con như thế nào.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương – giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhiều phụ huynh không nắm rõ được mục tiêu học tập của học sinh gồm nhiều thứ như kỹ năng sinh tồn, sống tốt, sống thành công, sống hạnh phúc chứ không phải chỉ dồn vào mục tiêu học thật giỏi kiến thức trong sách vở. “Nhiều phụ huynh ngày nay không chấp nhận việc con mình thua kém bạn bè, học dốt thậm chí không chấp nhận việc con bị đúp. Chính áp lực này đã dồn lên đứa trẻ. Khi đứa trẻ không đạt được mục tiêu, gặp thất bại, thay vì động viên, cha mẹ thường trách cứ khiến trẻ gia tăng áp lực dẫn đến chới với, tuyệt vọng” – bà Hương nói.