Theo đó, tính đến 16h (giờ Việt Nam), 1 euro có giá trị tương đương với 1,0306 USD. Tỷ giá thấp chưa từng thấy trong 20 năm gây lo ngại rằng hai đồng tiền này có thể lần đầu tiên sẽ đạt tỷ suất ngang nhau kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999. Diễn biến trên xảy ra khi một khảo sát quan trọng công bố ngày 5/7 cho thấy tăng trưởng kinh tế Eurozone trong tháng 6 có dấu hiệu chệch hướng do ảnh hưởng của lạm phát. Theo khảo sát của S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) hằng tháng của Eurozone, được coi là thước đo niềm tin doanh nghiệp, giảm xuống mức 52 trong tháng 6, thấp hơn so với mức 54,8 ghi nhận tháng 5 và là mức thấp nhất được ghi nhận trong 16 tháng qua. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn trên mức 50 để nền kinh tế được đánh giá là vẫn đang tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc giá trị đồng euro so với đồng USD lao dốc cũng được cho là do các nhà đầu tin rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất một cách tích cực để đối phó với lạm phát và ngược lại Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có các kế hoạch tăng lãi suất chậm hơn. Nhà phân tích Fiona Cincotta từ City Index cho rằng giá trị đồng euro bị đẩy xuống mức thấp hơn do ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Eurozone trong khi giá trị đồng USD lại tăng nhờ niềm tin rằng FED sẽ tiếp tục tích cực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Dữ liệu PMI mới công bố càng làm rõ hơn nguy cơ tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ chậm lại trong cuối quý II và khả năng hoạt động kinh tế sẽ bị thu hẹp trong những tháng tới.