Giải cứu đến năm nào?

(Ngày Nay) - Hôm qua dạo siêu thị, nhìn giá dưa hấu hơn 20 nghìn đồng một cân tại Hà Nội, vợ tôi khẽ bảo, ngày mai sẽ gọi điện để mua dưa hấu giúp giải cứu nông dân.
Giải cứu đến năm nào?

Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, dưa hấu đang ứ đọng vì phía Trung Quốc dừng mua. Nông dân đang bán tháo dưa tại ruộng với giá 1.000 đến 2.000 đồng mỗi cân.

Gần như có phong trào giải cứu nông sản gì cô ấy cũng cố gắng mua vì nghĩ “mình may mắn hơn họ nên phải có trách nhiệm với nông dân”. Có khi cô ấy mua cả chục ký dưa, vài ký su hào, tỏi cũng mua mặc dù tôi đi công tác đã mang về.

Nhìn cô ấy tra cứu trên mạng, gọi điện hỏi mua, tôi cảm thấy quý trọng vợ hơn. Tôi lặng lẽ ăn thêm. Với tôi, việc ăn khi còn nhỏ là để cho no. Sau này ăn là để thưởng cho mình vì đã làm việc vất vả. Chưa bao giờ tôi nghĩ ăn là vì trách nhiệm xã hội.

Tôi trân trọng hành động của vợ. Nhưng tôi cũng hiểu việc mua như vậy không làm cho tình hình tốt hơn về lâu dài. Gia đình tôi không thể ăn mãi theo các mùa giải cứu trong 5 năm, 10 năm tới được.

Cá nhân tôi còn cảm thấy thói quen người thành thị gắng giải cứu nông sản cho người nhà quê còn có màu sắc của lòng thương hại. Mà thương hại cũng là một dạng phân biệt đối xử.

“Giải cứu nông sản” đã trở thành cụm từ thân quen với người đô thị. Vợ tôi và những người thành thị khác từ lâu đã sẵn lòng mua thêm một ít su hào, củ cải, hành, tỏi, rồi đến cả thịt lợn, dưa hấu… Năm nào cũng vậy, chúng luôn luôn cần được giải cứu.

Tôi từng thắt lòng khi thấy những nông dân với ánh mắt thẫn thờ nhìn ruộng dưa chín mà không bán được. Không chỉ riêng tại Việt Nam, dường như muôn đời, những thiệt thòi khó khăn nhất luôn đè lên đôi vai của những người sản xuất ra lương thực, thực phẩm cho cả thế giới.

Nhiều năm tôi đã luôn đứng về phía những nông dân, phê phán thương lái. Cho đến khi tôi được nói chuyện với một lãnh đạo một hợp tác xã chanh dây ở Lâm Đồng, họ kể về lúc phía Trung Quốc sang mua hàng với giá cao, nông dân đổ xô đem hàng bán cho thương lái nước bạn bất chấp những cam kết với hợp tác xã và công ty. Lý do nông dân đưa ra thật đơn giản: nếu hợp tác xã muốn mua thì đưa ra giá cao hơn thương lái Trung Quốc đi. Họ quên ngay việc chính tay mình ký cam kết và cả những khi hợp tác xã sẵn sàng mua giá cao hơn thị trường bên ngoài.

Lúc bé tôi chỉ được ăn dưa hấu vào dịp Tết. Giờ thì dưa hấu có quanh năm. Công nghệ thay đổi, những thành quả khoa học kỹ thuật đã đến với nông nghiệp để có thêm nhiều loại hoa quả cho sản phẩm quanh năm thay vì một mùa như trước. Thế nhưng câu chuyện dự báo về thị trường nông sản của chúng ta lại không bắt kịp các thay đổi trong nông nghiệp. Tôi tin là những người làm chuyên môn biết rằng mùa này Trung Quốc sẽ vào vụ thu hoạch dưa nên họ sẽ không thu mua dưa của Việt Nam. Vậy thì tại sao chính quyền địa phương không có những cảnh báo cho người dân về việc thu hẹp thị trường để họ chuyển sang cây trồng khác? Hay khi chính quyền địa phương phát hiện người dân vẫn tiếp tục trồng dưa và dự kiến sẽ thu hoạch vào thời điểm không xuất được vào thị trường Trung Quốc thì lại không kiến nghị các cơ quan nông nghiệp, thương mại hay xuất khẩu tìm thị trường thay thế giúp nông dân. Năm nào cũng vậy, những điều có thể dự báo sớm không giúp gì cho điệp khúc làm ơn giải cứu khi ngày thu hoạch tới.

Thật xúc động khi nhìn những thanh niên tình nguyện hay tổ chức Đoàn tích cực giúp nông dân giải cứu các sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng đến lúc chúng ta phải hỏi, liệu đây là việc của thanh niên hay là việc của những người có trách nhiệm ở địa phương hay  các cơ quan phụ trách nông nghiệp, thương mại và xuất khẩu?

Năm nào chúng ta cũng giải cứu, nhưng không năm nào có những dự đoán thị trường và khuyến nghị đàng hoàng cho nông dân nên trồng những sản phẩm có đầu ra, giá tốt.

Tôi cũng mong các cô bác nông dân trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình. Chính các cô bác biết được mùa nào có thể bán được những sản phẩm gì để có thể quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trước khi bắt đầu. Tôi có gần 10 năm làm việc với nông dân để tự tin rằng những nông dân của ngày hôm nay đã nắm bắt khoa học kỹ thuật rất tốt và hầu như luôn đạt năng suất cao hàng đầu thế giới cho các sản phẩm của mình. Thế nên, việc nắm được thị trường cần sản phẩm gì không khó, và nó sẽ tốt hơn nữa nếu có sự giúp sức của chính quyền địa phương, các cơ quan phụ trách nông nghiệp, thương mại và xuất khẩu.

Tôi mong nông dân thôi trông chờ vào hành động thông cảm và giải cứu của các bà nội trợ, thanh niên hay những nhà hảo tâm - những người không chuyên nghiệp. Họ đã ở vị thế và thời đại phải bước tới gần hơn những người chuyên nghiệp, trở thành người chủ động quyết định cho kinh tế gia đình mình.

Ngày mai, và có lẽ hết tuần này, nhà tôi sẽ uống nước ép dưa hấu, tăng cường ăn dưa hấu. Tôi không vui khi mình làm việc tốt nếu chỉ vì phải giải cứu ai đó, vì nâng cốc nước ép lên khi trong đầu hiện ra ánh mắt nhìn ruộng dưa. Tôi vui hơn nếu chỉ uống nước ép dưa hấu vì tôi thích, vì nó ngon và lành dù cho giá mua dưa hấu không giải cứu có thể cao hơn.

Cái giá cao hơn vài lần “giá giải cứu” ấy chính là sự công bằng đáng được tưởng thưởng và chức mừng lẫn nhau, giữa nông dân - thị trường - người tiêu thụ.

Trần Ban Hùng

Nhà hoạt động

Bình luận
Báo Nhân Dân ra mắt video âm nhạc "Victory - Bond in Vietnam"
Báo Nhân Dân ra mắt video âm nhạc "Victory - Bond in Vietnam"
(Ngày Nay) - Sáng 9/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group tổ chức ra mắt video âm nhạc "Victory - Bond in Vietnam". MV ghi hình phần trình diễn của nhóm nhạc Bond tại Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Qua sản phẩm âm nhạc đặc biệt này, Báo Nhân Dân mong muốn lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch.
Quý I/2025, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 18,6%
Quý I/2025, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 18,6%
(Ngày Nay) - Quý I/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 36,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Ảnh minh họa
Hà Nội tập trung kiểm tra vi phạm phòng cháy
(Ngày Nay) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành hai công văn chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Trung Quốc công bố loạt chính sách lớn hỗ trợ thị trường vốn
Trung Quốc công bố loạt chính sách lớn hỗ trợ thị trường vốn
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh tâm lý thị trường tài chính, chứng khoán dao động, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc đã thông báo các biện pháp hỗ trợ thị trường vốn, bơm nguồn lực tài chính thực tế, mang lại niềm tin và góp phần ổn định thị trường.
Thái Lan đề ra chiến lược đối phó với thuế quan Mỹ
Thái Lan đề ra chiến lược đối phó với thuế quan Mỹ
(Ngày Nay) - Tại Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira ngày 8/4 (giờ địa phương) cho biết nước này có kế hoạch cải tổ cơ cấu thuế nhập khẩu và các rào cản phi thương mại khi chuẩn bị đàm phán với Mỹ để giảm tác động của mức thuế 36% đối với hàng xuất khẩu của mình.
Ông Wouter Melis van Ravenhorst, Giám đốc điều hành Control Union Việt Nam, trao chứng nhận Trung hòa Carbon cho đại diện Cty CP Sữa TH (bìa trái) và công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên. Ảnh: Mạc Hóa
Tập đoàn TH cam kết ra sao về trung hòa carbon và Net Zero?
(Ngày Nay) - Tại lễ nhận Chứng nhận Trung hòa carbon ngày 4.4.2025, đại diện TH cho biết cam kết duy trì trạng thái Trung hòa carbon tại hai đơn vị thành viên là Công ty CP Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên theo tiêu chuẩn PAS 2060: 2014 đến 31/12/2028, và sau đó là trung hòa theo tiêu chuẩn ISO 14068.