Trước việc bị tố gom mua khẩu trang kiếm lời, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp Phạm Hữu Quốc cho rằng mình "bị oan".
Theo lời ông Quốc nói với Zing.vn, ngày 15/2, bác sĩ này được ông M.T. cùng một đôi vợ chồng người Campuchia tới liên hệ với đề nghị nhờ mua khẩu trang để làm từ thiện tại quốc gia này do ở đó không sản xuất được khẩu trang.
Ông Quốc đã từ chối nhưng do ông M.T. quay lại thuyết phục 2 lần nữa nên ngày 17/2, ông Quốc đồng ý.
Mâu thuẫn trong thương lượng giá khẩu trang
Do không có thời gian, ông Quốc đã nhờ anh Th. (một điều dưỡng tại bệnh viện) hỗ trợ thu gom khẩu trang. Đây cũng là người đứng tên và ký trong các hợp đồng mua bán khẩu trang sau này.
Sáng 19/2, do không gửi được tiền cho Th. (không rõ lý do), ông M.T. đã gửi trước hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản của ông Quốc để nhập hàng.
“Nó đưa tôi một tỷ mấy mà không có giấy tờ gì hết cho nên tôi tin. Tưởng nó đàng hoàng, làm từ thiện”, ông Quốc kể lại. Sau nhiều lần chuyển tiền, tổng cộng ông M.T. đã chuyển cho ông Quốc hơn 5,3 tỷ đồng.
Khi nhập hàng, điều dưỡng Th. mua khẩu trang với giá khoảng 23,5 triệu/thùng và sau nhiều ngày gom hàng đã mua được tổng cộng 202 thùng khẩu trang với 505.000 chiếc. Ông Quốc khẳng định anh Th. mua hàng với tư cách cá nhân, không dùng danh nghĩa bệnh viện.
Tuy nhiên, sau khi chuyển hàng về kho của ông M.T., người này “ép giá’ xuống còn 11 triệu đồng/thùng và yêu cầu ông Quốc bắt buộc phải trả lại số tiền còn dư. Điều dưỡng Th. gọi điện trao đổi để thương lượng giá với ông M.T. và yêu cầu “nếu không chịu được giá thì trả lại hàng”, nhưng người này không chịu.
“Ông ấy cứ ép giá một nửa, chịu sao nổi. Ông ta còn dọa đòi mang khẩu trang đến đốt trước cổng bệnh viện”, ông Quốc nói và thanh minh thêm "muốn làm từ thiện chứ không có mục đích mua bán gom kiếm lời”.
Sau nhiều lần thương lượng bất thành và nghĩ đây là chuyện nhạy cảm nên ông Quốc nói chấp nhận chịu lỗ và bán với giá 12,5 triệu đồng/thùng. Đồng thời, chuyển trả ông M.T. số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Nhưng đến 28/2, ông Quốc cho biết mình vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi có tính chất đe dọa, đòi tiền. Hiện, ông đã trình báo việc này lên Công an quận Gò Vấp để tiến hành điều tra.
Đại diện Công an quận Gò Vấp xác nhận công an đã nhận được cuộc gọi của ông Quốc trần tình về vụ việc từ vài ngày trước.
Từng bị tố cáo nhiều lần
Ông Phạm Hữu Quốc được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp từ năm 2013. Trước đó, ông làm thanh tra viên Phòng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM.
Trong thời gian công tác tại đây từ năm 2009 đến 2012, ông Quốc từng bị tố cáo 5 lần là "chống lưng" cho các phòng khám Trung Quốc bằng cách thông báo lịch thanh tra của Sở Y tế, để những nơi này đối phó. Thời điểm đó, ông Quốc khẳng định việc tố cáo là hoàn toàn sai sự thật và ông là người bị hại.
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết trong thời gian ông Quốc công tác tại bệnh viện quận, quận từng nhận được một số phản ánh tiêu cực. Tuy nhiên, sau xác minh, quận mới chỉ tiến hành nhắc nhở vài lần và chưa có vi phạm đến mức phải kỷ luật.
Nói về việc này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Chí Thượng cho hay Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp trực thuộc UBND quận Gò Vấp về mặt quản lý Nhà nước, còn Sở chỉ giám sát về chuyên môn.
"Nếu bác sĩ này làm sai thì sẽ phải chịu xử lý tùy theo mức độ vi phạm", ông Thượng nói.
Chiều 28/2, lãnh đạo UBND quận Gò Vấp cho biết sau quá trình điều tra ban đầu, thanh tra quận nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, đơn vị này đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra Công an Quận Gò Vấp làm rõ.
TP.HCM hiện có 20 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang với năng lực sản xuất là trên 2,5 triệu cái/ngày, nhưng Sở Công Thương vẫn đang phải tìm thêm nguồn cung để đáp ứng thị trường.