4 năm trước, xứ Đồng Ghè và Liên Nhật, thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chỉ là một vùng đầm sâu trũng, nhiều diện tích trồng lúa phải bỏ hoang, không thể canh tác.
Năm 2021, anh Nguyễn Hữu Quyền (sinh năm 1983), Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật Thạch Hạ (viết tắt là HTX Liên Nhật) từ bỏ công việc tại công ty xây dựng, trở về địa phương làm nông.
Anh Quyền chia sẻ: “Từng là giám đốc của công ty xây dựng nên khi tôi trở thành nông dân, nhiều người ngỡ ngàng, hoài nghi. Nhưng không vì thế mà nản lòng, tôi chọn con đường chinh phục nông nghiệp sạch. Sau nhiều đêm dài suy nghĩ, tôi quyết định xây dựng mô hình nông nghiệp “3 trong 1”, vừa sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng sinh thái”.
Vốn khởi nghiệp với nghề nông của anh là 600 triệu đồng vay ngân hàng. Từ cuối năm 2021, thông qua sự hỗ trợ về mặt chủ trương của chính quyền Thành phố và xã Thạch Hạ, anh Quyền cùng 8 cộng sự gom 20 ha đất của 40 hộ dân với giá thuê đất 700 ngàn đồng/sào/năm (sào 500 m2) để xây dựng mô hình trồng lúa, nuôi cá rô đồng, tôm càng xanh, ốc bươu đen theo hướng hữu cơ và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
Trong quá trình làm, anh Quyền nhận ra mảnh đất này cần đến một loại lúa mới để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn và giống cá phù hợp với môi trường sinh thái. Nhờ sự tìm tòi, học hỏi, anh chọn giống lúa ST25 để trồng, thả trên 6 vạn cá chạch, 3 vạn tôm càng xanh và trên 2 vạn cá các loại (cá rô, cá diêu hồng, cá trắm đen).
Sau 4 năm chăm chút từng thửa ruộng, bờ ao, luống rau, đến nay, những cánh đồng cá - lúa, tôm - lúa, ốc - lúa đang phát triển rất hiệu quả, doanh thu mỗi năm ước đạt trên 700 triệu đồng.
20 ha đất xứ Đồng Ghè và Liên Nhật kém hiệu quả nay đã trở thành nơi chuyển giao kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường cho bà con nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Theo anh Quyền, mặc dù nguồn vốn hạn hẹp song với việc sản xuất cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài, đã giúp HTX mở rộng được diện tích liên kết trồng lúa chất lượng cao áp dụng tiến bộ mạ khay, máy cấy lên 14 ha; nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 4 ha và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái trên diện tích hơn 5 ha. Hoạt động hiệu quả của mô hình cũng đã thu hút thêm hơn 20 thành viên gia nhập HTX, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 20 lao động là người địa phương, trong đó có những lao động đang rất trẻ, có trình độ chuyên môn.
Chia sẻ về anh Nguyễn Hữu Quyền, ông Nguyễn Sông Hàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết "Anh là một trong những nhân tố tiêu biểu, góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành chuyên canh sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế địa phương. Thời gian tới, UBND xã Thạch Hạ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng anh Nguyễn Hữu Quyền về vốn vay, chuyển giao khoa học kĩ thuật để HTX phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế".