Hà Nội cách ly thôn Hạ Lôi tới ngày 5/5

(Ngày Nay) - Kể từ ngày 8/4, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) với hơn 10.000 nhân khẩu chính thức bị phong tỏa tới hết ngày 5/5 (28 ngày), trong thời gian này ai muốn vào khu vực thôn phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Ảnh: Thanh Niên
Ảnh: Thanh Niên

Ngày 8/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh (Hà Nội) đã ký quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh 28 ngày, kể từ ngày 8/4/2020 đến hết ngày 05/5/2020.

Để đảm bảo thực hiện cách ly y tế tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, UBND huyện Mê Linh yêu cầu thiết lập chốt kiểm soát ra vào thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Huy động lực lượng 90 người tại 9 chốt kiểm soát kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa người ra, vào thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Người ra, vào thôn Hạ Lôi phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương, theo tin từ VOV.

Cùng với việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19, ngày 8/4, UBND huyện Mê Linh cũng đã lên phương án điều phối nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân trong thời gian cách ly tại nhà.

Theo tính toán của UBND huyện Mê Linh, dự kiến nhu cầu hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết cho 2.973 hộ dân với 10.872 nhân khẩu tại thôn Hạ Lôi trung bình mỗi ngày là 3,3 tấn gạo; 2,2 tấn thịt lợn, gà, vịt; 20 lít dầu ăn; 6,7 tấn rau củ quả; 2.200 quả trứng gia cầm; 50 lít sữa trẻ em, và một cơ số thuốc kháng sinh, hạ sốt…

Trả lời báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, để bảo đảm nguồn cung và điều phối hàng hoá, địa phương đã chỉ định 34 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tổ chức cung ứng nguồn hàng cho người dân thôn Hạ Lôi. Các đơn vị sẽ phối hợp trực tiếp với UBND xã Mê Linh để vận chuyển hàng hoá vào bên trong cho người dân khu vực cách ly, đảm bảo quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, địa phương cũng tính đến tình huống xa hơn là nhu yếu phẩm dự trữ của 34 doanh nghiệp bị hết. Theo đó, huyện sẽ phối hợp, đề xuất Sở Công Thương Hà Nội có phương án hỗ trợ điều tiết hàng hoá thông qua 5 siêu thị, doanh nghiệp: Big C Thăng Long, Siêu thị Lan Chi, Hệ thống cửa hàng An Việt Food, Công ty CP thực phẩm Minh Dương và Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin chi tiết về lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 243 tại Việt Nam (BN 243), sau khi ca bệnh này được công bố tối 6/4.

BN243 được xác định là bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện.

Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có  tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh.

Ngày 4/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật  Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với  SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.