Theo thông tin từ Vnexpress, sáng 10/10, khi các du khách đi vào khu vực xóm cà phê đường tàu thì hàng chục cảnh sát đứng chốt ở đây đã yêu cầu quay ra. Phía bên trong, các chủ quán được đề nghị không kê bàn ghế ra cạnh đường ray, dán cam kết không lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường sắt.
Trước đó, ngày 7/10, sau công văn đề nghị của Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, thực hiện trước 12/10.
Trong khi lệnh cấm cà phê đường tàu còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc giữ hay bỏ, giữ như thế nào để đảm bảo an toàn, thì sáng nay, lực lượng chức năng đã bắt đầu thực hiện sớm việc đình chỉ, dẹp hoạt động kinh doanh tại các phố đường tàu, báo Thanh niên đưa tin.
Các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
Đồng thời bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông đường sắt và Công an các phường hàng ngày ứng trực từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm, hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách nước ngoài và các hộ kinh doanh không vi phạm các quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Phố cà phê đường tàu Hà Nội chính thức bị ngừng hoạt động - Ảnh Ngọc Thắng/ Thanh niên |
Trao đổi với báo Nhân dân, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, với những trường hợp không chấp hành cam kết, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế và lập biên bản.
Ngoài ra, du khách đến quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà-phê trong hành lang đường sắt cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND quận Hoàn Kiếm đã giao UBND các phường có tuyến đường sắt đi qua, nhất là phường Cửa Nam, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Mã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch trong và ngoài nước hiểu rõ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, không tụ tập, đi, đứng, ngồi, quay phim, chụp ảnh trong phạm vi bảo vệ đường sắt (5,4m tính từ mép ngoài của đường ray trở ra).
Kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, như kinh doanh lấn chiếm, bày bàn ghế cho khách ngồi, các hành vi như đi, đứng, quay phim chụp ảnh trên phạm vi bảo vệ đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông; bố trí lực lượng tuần tra, chốt trực kiên quyết không để tái vi phạm.