Trao đổi với PV, về việc tiến tới thành phố Hà Nội có tính giá kinh doanh vỉa hè hay không? Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vấn đề này cũng phải có lộ trình, vì muốn tính giá, muốn thu phí kinh doanh vỉa hè thì phải xác định được vấn đề quản lý và sở hữu. Ở đây tính giá thì phải xác định được việc nó nằm trong danh mục được các cấp thẩm quyền cho phép. “Nếu không nằm trong danh mục cho phép thì không thể tính, không thể thu được”, ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi, liệu việc tính giá có làm gánh nặng cho bà con nhân dân. Vì hiện nay bà con đang phải trả tiền cho diện tích cửa hàng kinh doanh? Ông Hùng cho hay, vì thời điểm này thành phố chưa đặt vấn đề đó nên chưa xác định việc trên.
Trước câu hỏi của PV về việc, thành phố có ý kiến gì trước hiện tượng ra quân lập lại trật tự đô thị, lập lại tình trạng lấn chiếm vỉa hè của Hà Nội đang “chùn xuống”? Ông Hùng cho rằng, nói “chùn xuống” là không hẳn, vì đây là một quá trình kiên trì, có lúc phải vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện. “Có lúc chưa kiểm soát chặt chẽ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, thì mình phải tiếp tục tuyên truyền, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý. Việc này phải làm thường xuyên và liên tục”, ông Hùng nói.
Về câu hỏi, vì sao Hà Nội vẫn chưa xử lý cán bộ nào để xảy ra việc lấn chiếm vỉa hè. Trong khi Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này? Phải chăng đang có tình trạng buông lỏng quản lý? Ông Hùng cho hay, việc này muốn đánh giá được (buông lỏng quản lý-PV), thì phải rất cụ thể và chính quyền chắc chắn đang đánh giá cái này. Vì khi xem xét đánh giá có thể do điều kiện khách quan, có cái chủ quan. Nhưng nếu do chủ quan trong buông lỏng quản lý thì chắn chắn sẽ phải xem xét, kiểm điểm và xử lý nghiêm.
Liên quan đến việc toàn thành phố đang tập trung cao độ để lập lại trật tự đô thị, vỉa hè, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã cho rằng, điều quan trọng không phải chỉ là ra quân đồng loạt, rầm rộ mà cần phải làm từng bước, kiên trì, tuyên truyền vận động để nhận được sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân.
“Các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giám sát phải công tâm, khách quan, tạo niềm tin trong cán bộ và nhân dân; tránh tình trạng nơi làm tốt cũng như nơi làm không tốt, dẫn tới cán bộ không dám làm, không kiên định, còn người kinh doanh vi phạm bị đuổi ở phường này lại chạy sang phường khác”, ông Hải nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi, khuyến khích sự tăng cường giám sát của nhân dân và các cơ quan truyền thông.
“Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí phản ánh khách quan, nêu lên các nơi chưa làm tốt công tác này để thành phố kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh. Với chính quyền các địa phương, những trường hợp nào cố tình vi phạm lòng đường vỉa hè, không thực hiện nghiêm túc kéo dài thì cần nghiêm minh xử lý, xử phạt để phòng ngừa và răn đe vi phạm. Đây cũng là phong trào để đánh giá cán bộ, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và cần có khen thưởng, cũng như phê bình thích đáng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.