Hà Nội lát vỉa hè 12 quận bằng đá tự nhiên

(Ngày Nay) - TP Hà Nội đang triển khai thi công lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên nhiều tuyến đường. 
Thi công lát đá tự nhiên cho vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Lê Tươi
Thi công lát đá tự nhiên cho vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Lê Tươi

Mục tiêu đến năm 2020, hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè sẽ được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững.

Đá tự nhiên có tuổi thọ lên đến 70 năm

Cuối tuần qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai đang được triển khai lát lại vỉa hè. Đáng quan tâm là vật liệu lát đều là đá tự nhiên, thay vì gạch như trước đây.

Đơn cử ngày 25/8, có mặt tại tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), PV ghi nhận ngay từ sáng sớm, dọc vỉa hè bên số nhà chẵn, rất nhiều chồng đá được xếp ngay ngắn. Hàng chục công nhân đang thi công bó vỉa để chuẩn bị lát đá, thay “áo mới” cho vỉa hè. Rất nhiều đoạn công nhân đã lát xong, vỉa hè sáng loáng, bắt mắt.

Đang triển khai tại đoạn siêu thị Pico, anh Nguyễn Công Nam, người của đơn vị thi công chia sẻ: “Trước đây, tôi thường được giao nhiệm vụ lát gạch cho những tuyến vỉa hè của Hà Nội, nay chủ yếu thi công lát đá. Lát bằng đá tốn công, mệt hơn, bởi đá nặng hơn gạch. Nhưng phải thừa nhận, lát đá đẹp và mỹ quan hơn nhiều. Sức chịu tải của đá cũng cao hơn, đảm bảo độ bền hơn so với gạch trước đây. Màu đá trắng cũng tạo sự đồng nhất cho các tuyến phố trở nên sạch đẹp, văn minh hơn”, anh Nam nói.

Chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm tại địa chỉ 58 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân phấn khởi: “Đoạn đường này trước đây vỉa hè được lát bằng gạch, giờ lát đá sạch sẽ, đẹp hơn. Đoạn đường còn được bố trí các bồn hoa, cây xanh, cảnh quan rất đẹp”.

Dù trước cửa nhà đang ngổn ngang gạch đá, bác Nguyễn Thị Thu cho biết, rất hài lòng khi chính quyền chỉnh trang vỉa hè, tạo ra diện mạo đô thị văn minh, đảm bảo mỹ quan. Cùng với đó, việc kinh doanh của gia đình bác trên tuyến phố này cũng vì thế thuận lợi hơn.

Một tuyến đường khác cũng chuẩn bị được Hà Nội thay thế từ gạch và các vật liệu khác sang đá tự nhiên là Giải Phóng. Trước đó, đường Lê Trọng Tấn, đoạn đường dẫn vào Khu trung tâm hành chính quận Hoàng Mai đã được triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phần lớn các tuyến phố hiện nay của Hà Nội vỉa hè đều lát bằng gạch. Độ bền của gạch chỉ được vài năm là phải thay dẫn đến tình trạng đào lên, lấp xuống gây tốn kém và không đảm bảo mỹ quan. Việc thi công liên tục gây bức xúc cho người dân, đồng thời cản trở, gây ùn tắc giao thông. Do đó, thành phố có chủ trương tại 12 quận nội thành tới đây sẽ đồng nhất sử dụng vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững, đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, sẽ có hơn 900 tuyến phố của 12 quận trên địa bàn thành phố được lát đá tự nhiên.

Có chấm dứt tình trạng vừa làm đã đào bới?

Về nguồn kinh phí đầu tư, theo Sở Xây dựng, một số dự án hạ tầng kỹ thuật mới tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông đã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng/m2. Số tiền này đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch. Tuy nhiên, do tuổi thọ của đá tự nhiên cao hơn gấp nhiều lần gạch, không phải thi công đào bới nhiều nên so về kinh tế sẽ hiệu quả hơn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, lát đá thay cho gạch là chủ trương chung của TP Hà Nội để sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, tạo cảnh quan cho các tuyến đường huyết mạch của Thủ đô trở nên văn minh, sạch đẹp hơn. Còn về nguồn kinh phí triển khai sẽ chủ yếu lấy từ các quận và một phần xã hội hóa.

Cũng theo ông Lưu, sau khi thực hiện chỉnh trang tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố nhân rộng để chỉnh trang một số tuyến đường, trong đó có đường Nguyễn Trãi và thành phố đã đồng ý. Với quận Thanh Xuân, Nguyễn Trãi là tuyến đường xuyên tâm, nối giữa trung tâm Thủ đô với khu vực Hà Đông. Vì vậy, việc lát đá tự nhiên sẽ tạo cảnh quan đô thị đẹp và văn minh hơn. Dự kiến, việc lát đá tại đường Nguyễn Trãi sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay.

Tới đây, trên địa bàn quận Thanh Xuân, hàng loạt tuyến phố quan trọng cũng đã được Nghị quyết HĐND quận và Nghị quyết Đảng bộ quận lần thứ V đưa vào chỉnh trang như: Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương…

Liên quan đến lo lắng của nhiều người về việc vỉa hè nay làm, mai đã đào bới để lắp đặt hệ thống đường điện, nước, cáp quang… gây lãng phí và mất ATGT, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, tới đây sẽ triệt để khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Sở TT&TT, UBND các quận khảo sát, lập thiết kế hạ ngầm các đường dây điện, cáp trên toàn tuyến đảm bảo đồng bộ và gắn liền với chỉnh trang đô thị. Cùng với đó, các đơn vị trên cũng đề xuất thực hiện theo phương án xã hội hóa theo biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 giữa UBND TP với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội. Vì vậy, tình trạng vừa làm đã đào bới chắc chắn sẽ giảm đáng kể.

Theo Giao thông

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.