Viễn cảnh đó có khi chẳng phải chờ đến năm 3000, chỉ 10-20 năm nữa thôi Hà Nội sẽ đổi khác, bởi ngay từ hôm nay, Hà Nội đã có một lộ trình rõ ràng, cùng những bước đi thận trọng xây dựng thành phố thông minh.
Việc xây dựng thành phố thông minh được Hà Nội xác định dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Từ tổ dân phố điện tử, cơ quan điện tử…
Hai năm trở lại đây, việc hình thành các tổ dân phố điện tử tại các địa bàn dân cư của thành phố Hà Nội nở rộ hơn bao giờ hết. Các tổ dân phố điện tử được các quận, phường đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) một các nhanh chóng, thuận lợi nhất. Việc này cũng đã góp phần không nhỏ vào công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử của thành phố.
Với phương thức xã hội hóa, từ những ngày đầu tháng 8/2017, quận Bắc Từ Liêm đã thí điểm đưa vào hoạt động 9 điểm đăng ký dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 đặt tại tổ dân phố và khu chung cư. Đến nay, quận đã có 24 Tổ dân phố điện tử, giúp tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức 3, 4 luôn đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ công dân nộp tại nhà đạt 64,1%, vượt 9,1% theo kế hoạch đề ra.
Người dân sinh sống trên địa bàn quận đều khá hài lòng khi được tiếp cận DVCTT tại khu dân cư. Bởi thay vì phải lên phường hoặc quận, người dân có thể dễ dàng sử dụng các thao tác trên các thiết bị điện tử hiện đại như máy tính, máy scan, điện thoại thông minh dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các tình nguyện viên.
Bà Trần Thị Loan, một cư dân sống lâu năm ở Tổ dân phố số 12, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm cho rằng, Tổ dân phố điện tử rất phù hợp với người dân, đặc biệt là người già bởi sự tiện lợi, không phải đi xa, thời gian linh hoạt để thực hiện các TTHC, đặc biệt cảm thấy hài lòng dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên.
Còn với những người trẻ như Huỳnh Thu Trang, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, thì đây là một trải nghiệm thú vị khi được trở thành “những cán bộ một cửa” tại khu dân cư. Trang chia sẻ: “Đây là cơ hội để em tiếp cận những DVCTT như những công dân thông minh. Và càng tiếp cận thì càng kích thích em trong việc chủ động tìm hiểu về công nghệ thông tin (CNTT) và các DVCTT, cũng như nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền điện tử của thành phố”
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho hay, từ khi mô hình tổ dân phố điện tử được áp dụng đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực hiện xây dựng chính quyền điện tử ở quận Bắc Từ Liêm. Đây chính là cầu nối để tiến tới xây dựng “Công dân điện tử”, đồng thời là một trong những nội dung nâng cao hiệu quả công tác CCHC; đưa ứng dụng CNTT vào hoạt động CCHC, góp phần giảm thời gian, công sức, chi phí cho tổ chức, công dân khi có nhu cầu giải quyết TTHC.
Cũng như quận Bắc Từ Liêm, với mục tiêu xây dựng mô hình cơ quan điện tử, từng bước hướng tới chính quyền điện tử, những năm gần đây, quận Long Biên đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết TTHC cho người dân. Năm 2014, quận đã xây dựng thí điểm mô hình Cơ quan điện tử phường tại 2 phường Bồ Đề, Việt Hưng thành công và triển khai nhân rộng ra 14 phường, bước đầu phát huy hiệu quả tốt trong hoạt động.
Đặc biệt, quận Long Biên đã tập trung ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ quận đến cơ sở được trang bị máy tính và các thiết bị CNTT khác phục vụ công việc. Lãnh đạo các cấp của quận cũng đã được trang bị và khai thác hiệu quả máy tính bảng trong công tác quản lý, điều hành.
Nhờ việc ứng dụng CNTT, quận Long Biên hạn chế sử dụng văn bản giấy, tài liệu phục vụ các cuộc họp đều được cung cấp bằng file điện tử, góp phần tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Công tác đánh giá cán bộ hằng tháng cũng được thực hiện hiệu quả thông qua các thiết bị điện tử. Các cơ quan hành chính quận đã vận hành hiệu quả các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công việc như phần mềm Quản lý tiếp dân - theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Quản lý nhân sự; Quản lý kinh tế - kế toán, Quản lý tài sản công...
… Đến chính quyền điện tử
Theo tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi, bao gồm: Nền tảng cơ sở hạ tầng; các cơ sở dữ liệu cốt lõi; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu như: giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường... Từ năm 2020 đến 2025, thành phố sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia và hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn ba, sau năm 2025 sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Thực hiện kế hoạch trên, trong năm nay, nhiều mục tiêu để hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử đang được thành phố và các địa phương tích cực triển khai. Mục tiêu là thúc đẩy việc triển khai ứng dụng CNTT vào điều hành, CCHC với các chỉ tiêu cơ bản như: tăng tỷ lệ hồ sơ DVCTT đăng ký tại nhà; đẩy mạnh giao dịch văn bản dưới dạng điện tử; thực hiện các cuộc họp trực tuyến từ thành phố, quận tới các phường... Trong đó, một nhiệm vụ hằng đầu được thành phố và các Sở, ngành, quận, huyện xác định là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc với chính quyền.
Đặt mục tiêu 100% các phường có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối với thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện; 100% văn bản giao dịch dưới dạng điện tử... Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho hay, trong năm 2019, cùng với việc đảm bảo hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng dùng chung của thành phố, quận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thêm ít nhất một mô hình tổ dân phố điện tử tại mỗi phường.
Năm 2019, quận Ba Đình đặt mục tiêu 100% phường đạt mức độ điều kiện sẵn sàng trong đánh giá mức độ chính quyền điện tử; 50% các cuộc họp của quận diện rộng đến các phường được thực hiện trực tuyến... Vì vậy, đi đôi với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quận Ba Đình sẽ bố trí đủ trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính quận và 14 phường đảm bảo phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng các phần mềm của các bộ chuyên ngành và thành phố vào triển khai...
Trước những mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, trong năm 2019, thành phố Hà Nội đã và đang lắp đặt các ki-ốt để phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công; đồng thời đây cũng là nơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách, kêu gọi người dân đồng hành cùng thành phố, sớm hiện thực mô hình chính quyền điện tử.
Trước mắt, trong năm 2019, 3 thành phần cơ bản của thành phố thông minh sẽ được UBND TP Hà Nội ưu tiên triển khai gồm: Trung tâm Điều hành thông minh, Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.
Những kết quả tích cực ban đầu trong việc xây dựng nền tảng cơ bản của thành phố thông minh đang mang đến cho người dân Thủ đô nhiều tiện ích. Anh Phạm Thanh Tùng, sống tại phố Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) lạc quan tin tưởng, vài năng tới đây, cuộc sống của người dân Thủ đô sẽ không còn chịu quá nhiều áp lực từ sự quá tải của siêu đô thị. “Thời gian gần đây, sự lo lắng đã phần nào giảm bớt, nhờ những ứng dụng công nghệ mà thành phố đang triển khai. Khi trời mưa to, bật ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại di động là có thể biết được tình trạng úng ngập trên các tuyến đường để tránh. Những lúc đi ô-tô, không còn phải loay hoay tìm kiếm một chỗ gửi xe trong nội thành, nhờ ứng dụng I-parking trên thiết bị di động… Đối với các thủ tục hành chính, chỉ cần chiếc điện thoại hay máy tính kết nối internet là có thể thực hiện được và nhận kết quả gửi đến tận nhà. Những tiện ích này cho thấy những tiến bộ trong phương thức quản lý, điều hành của thành phố Hà Nội” - Anh Tùng cho hay.