Hầu hết các chỉ tiêu về môi trường gần đây đều được cải thiện, đặc biệt tại các cụm, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường ở thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng: Việc triển khai các dự án đầu tư cho môi trường còn chậm, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu.
Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân chưa cao; công nghệ sản xuất còn lạc hậu... đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường chung của thành phố.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị nhanh, kéo theo các hoạt động xây dựng trên khắp địa bàn, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở mức độ cao.
Qua số liệu quan trắc thu được từ các trạm quan trắc không khí thì hầu hết tại các vị trí quan trắc đều có hàm lượng Bezen vượt Quy chuẩn Việt Nam 06: 2009/BTNMT từ 1,2 – 2,5 lần; một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao như: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm, Bến xe Mỹ Đình...
Đáng chú ý, chất lượng không khí tại các làng nghề và các khu vực dân cư phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, đều ở mức kém và trung bình.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm này, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang chung tay tìm các giải pháp giúp Hà Nội cải thiện môi trường không khí, tiến tới xây dựng một thành phố xanh, thông minh.
Mới đây, thông qua Hội thảo “Quản lý và giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội”, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, Cơ quan phát triển Pháp đã thảo luận về thực trạng và các chính sách quản lý chất lượng môi trường không khí; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn về cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam và quốc tế.
Hội thảo cũng đưa ra các kết luận của nghiên cứu do Cơ quan phát triển Pháp AFD tài trợ, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi, bền vững về giảm thiểu ô nhiễm cũng như nâng cao công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố.
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, “Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Cơ quan AirParif (Pháp) tài trợ đã mang lại hiệu quả và có tính thực tiễn cao.
Trên cơ sở kết quả của những nghiên cứu này, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình hành động phù hợp nhằm nâng cao chất lượng không khí Thủ đô, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Hiện, Sở đã tiếp nhận và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) do Cơ quan AirParif (Pháp) tài trợ.
Các trạm quan trắc hoạt động liên tục, quan trắc chất lượng không khí xung quanh nhằm phục vụ việc quản lý, nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường và lập mô hình quan trắc.
Kết quả quan trắc bước đầu cho thấy tương đối chính xác, tuy nhiên chưa thể phản ảnh đầy đủ, chính xác hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ có những giải pháp và hành động cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Trước mắt, tiếp tục phối hợp với tổ chức AirParif triển khai “Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí”; triển khai đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường, trong đó lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí.
Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường, che chắn giảm bụi, khí thải tại các công trường thi công, nhất là khu vực nội thành; giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.