Một hộ gia đình ở đường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã phát hiện trường hợp ghi sai số điện tháng 6 của gia đình.
Hộ gia đình này cho biết, sau khi nhân viên ghi chỉ số điện (sáng 5/7), chiều 6/7, họ kiểm tra lại công tơ và chỉ số cuối là 9.032.
Ngày 9/7, gia đình nhận được tin nhắn của công ty điện lực báo số điện sử dụng tháng 6 là 404 kWh (chỉ số cuối: 9.191 kWh), số tiền phải thanh toán là 895.728 đồng.
Ghi số điện bằng "gậy tự sướng". |
Thấy số điện tăng bất thường trong bối cảnh gia đình đi vắng nhiều, lượng điện tăng khá cao, hộ dân này đã kiểm tra lại công tơ và phát hiện chỉ số mới đang dừng ở mức 9.060 kWh.
Phản ánh tới Công ty Điện lực Đống Đa, nhân viên điện lực kiểm tra, giải thích vòng vo, rồi mới thừa nhận đã ghi sai hơn 172 số điện so với thực tế.
Nhân viên Công ty Điện lực Đống Đa xin tính lại tiền điện cho gia đình với lượng điện tiêu thụ giảm xuống còn 232 số điện, tương ứng số tiền phải thanh toán 441.388 đồng (giảm một nửa so với số tiền đã báo trước đó).
Nhân viên ngành điện cũng xin được tính số tiền ghi vượt vào tiền điện tháng 7 với mức giá chuẩn (không bị tính lũy tiến), đồng thời xin đền bù số tiền bị tính vượt trội là 150.000 đồng cho gia đình.
Ở nhiều khu vực khác tại Hà Nội cũng có tình trạng như vậy. Một trường hợp ghi sai với con số có thể nói là kỷ lục về hóa đơn tiền điện trong tháng 5.2015, gấp gần 16 lần tiền điện tháng 4 được ghi nhận với gia đình ông Nguyễn Quang Quý (trú tại nhà B6, lô 11, khu đô thị Định Công). Ông Quý cho biết: "Trong tháng 4, tiền điện nhà tôi có 355.000 đồng, sang tháng 5, hóa đơn vọt lên 5 triệu đồng. Gấp vài lần thì chắc đúng vì nhà tôi có mấy người ở quê lên, dùng điện nhiều hơn, nhưng gấp tới gần 16 lần thế này, tôi không thể tin được".
Phát biểu trước lãnh đạo các cơ quan báo chí tuần trước, ông Nguyễn An Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) và ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN vẫn cho rằng, nguyên nhân việc hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong các tháng vừa qua (tháng 5, tháng 6) chủ yếu do "thời tiết nắng nóng, khô hạn bất thường nên tốc độ tăng trưởng phụ tải của toàn hệ thống điện đạt ở mức cao". Tuy nhiên theo Bộ Công thương, số kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hóa đơn tiền điện của khách hàng trong 2 tháng qua tăng cao. Cụ thể trong tháng 5.2015, có 1.868 trường hợp thắc mắc, kiến nghị của khách hàng các tổng công ty thuộc EVN liên quan đến hóa đơn thì đến tháng 6, số hộ có khiếu nại, kiến nghị đã tăng lên 3.505 khách hàng.
Theo một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành điện, không thể phủ nhận là thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng thực tế, việc ghi chỉ số công tơ hiện nay chắc chắn là có vấn đề và là cách làm lạc hậu khi quá lệ thuộc vào việc ghi thủ công của nhân viên đi ghi chỉ số nhưng lại thiếu sự giám sát.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
TS Lê Đăng Doanh: "Doanh nghiệp đang cắn răng chịu giá điện cao"
Giá điện, nước kiểu “sinh viên” – nỗi lo người thu nhập thấp