Hạ tầng TP.Thủ Đức bây giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hơn bốn năm trôi qua kể từ ngày TP.Thủ Đức chính thức ra đời (01/01/2021), nhiều công trình hạ tầng mọc lên đã làm thay đổi diện mạo vùng đất phía Đông TP.HCM.

Những con đường rộng thênh thang, những công trình mới được đẩy nhanh tiến độ khiến người dân kỳ vọng về một thành phố trẻ. Tuy nhiên, Thủ Đức vẫn không thể thoát được những con đường ngập nước, kẹt xe triền miên, những dự án ì ạch, và sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực trong thành phố.

TP.Thủ Đức được hình thành từ sự hợp nhất của 3 quận (cũ), gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Với diện tích hơn 211km2 và dân số chạm mốc 1,2 triệu người vào năm 2025, đây là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, công nghệ và sáng tạo.

Hạ tầng TP.Thủ Đức bây giờ ra sao? ảnh 1

Một góc TP.Thủ Đức

Bài 1: Những kỳ vọng chưa thành hình

Qua các đời lãnh đạo TP.HCM, người dân luôn mong chờ TP.Thủ Đức thực sự “vươn mình” mạnh mẽ để trở thành một trong những nơi hội tụ nhiều tòa nhà chọc trời, các khu công nghệ cao và những công trình hạ tầng hiện đại xứng tầm. Nhưng sau bốn năm, bức tranh hạ tầng của TP.Thủ Đức vẫn còn tồn tại những gam màu, những mảng “chắp vá” chưa hoàn chỉnh.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2 cũ) như “người anh cả” luôn sáng rực với những công trình hoành tráng, còn Quận 9 và Thủ Đức (cũ) lại như “những đứa em út” bị bỏ quên với nhiều dự án hạ tầng chỉ mới manh nha hoặc vẫn “bất động” trên giấy.

Phải thừa nhận, TP.Thủ Đức đã có những công trình khiến người dân kỳ vọng sẽ làm “bừng sáng” cả vùng, nhất là thị trường bất động sản. Cầu Thủ Thiêm và Cầu Thủ Thiêm 2 là hai “ngôi sao” giao thông giúp kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm Quận 1.

Cầu Thủ Thiêm từ lâu đã là biểu tượng và là cầu nối mở ra cơ hội cho một trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ. Cầu Thủ Thiêm 2 (khánh thành năm 2022), với thiết kế hiện đại, không chỉ giảm tải cho cầu cũ và Hầm chui sông Sài Gòn mà còn giúp người dân Thủ Đức đi vào khu trung tâm TP.HCM nhanh hơn.

Hầm Thủ Thiêm (khánh thành từ năm 2011) vẫn còn là niềm tự hào khi là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam. Công trình này nối Đại lộ Đông – Tây và đường Mai Chí Thọ, giúp rút ngắn khoảng cách từ bán đảo Thủ Thiêm đến Quận 1 chỉ trong vài phút.

Đại lộ Phạm Văn Đồng với 12 làn xe, là tuyến đường huyết mạch giảm tải áp lực các phương tiện đi qua trung tâm TP.HCM. Đại lộ kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Cách đây không lâu, tháng 02/2025, cầu Tăng Long (vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng) nằm trên đường Lã Xuân Oai, bắc qua rạch Trau Trảu vừa được thông xe một nhánh. Cây cầu này thay thế cho cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, sẽ giúp giảm ùn tắc cho các tuyến đường như Lã Xuân Oai, Lò Lu và khu vực Khu công nghệ cao.

Tương tự, tháng 10/2024, cầu Nam Lý (vốn đầu tư gần 732 tỷ đồng) nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp thay thế cầu cũ đã giúp tăng cường kết nối giữa Xa lộ Hà Nội và cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, giảm kẹt xe vào giờ cao điểm và phục vụ các phường như An Phú, Bình Trưng Tây, Phước Long A, Phước Long B và Phước Bình.

Hạ tầng TP.Thủ Đức bây giờ ra sao? ảnh 2
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Những công trình tỏa sáng trong lòng thành phố trẻ

Một trong những công trình là điểm nhấn của TP.HCM là tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành trong năm 2025 được xem là “đòn bẩy” để thay đổi thói quen của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển trong thành phố.

Không kể các hạ tầng giao thông, các công trình y tế cũng là “điểm nhấn” sáng khiến người dân vững tin vào TP.Thủ Đức đang có những chuyển biến lớn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/2025), với quy mô 1.000 giường và tổng vốn đầu tư hơn 3.315 tỷ đồng (1.915 tỷ đồng xây dựng, 1.400 tỷ đồng trang thiết bị).

Bệnh viện Thủ Đức không chỉ đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối mà còn mang lại dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân TP.Thủ Đức và các tỉnh lân cận. Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 tại P.Linh Trung, cũng là một công trình mang nhiều ấn tượng của “thành phố trong lòng thành phố”. Với hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư, cơ sở này được nâng cấp và mở rộng từ năm 2023, trở thành nơi điều trị ung thư uy tín, giúp người dân không còn cảnh phải chen chúc ở các bệnh viện trung tâm TP.HCM.

Ngoài những công trình trên, TP.Thủ Đức còn nổi lên với công trình đường sách ở phường Hiệp Phú. Nơi đây không chỉ bày bán hàng ngàn đầu sách mà còn tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, triển lãm và hội thảo. Hơn hết, để trở thành một nơi đáng sống, TP.Thủ Đức cố gắng giải quyết các nhu cầu an cư cho người có thu nhập thấp và công nhân.

Hạ tầng TP.Thủ Đức bây giờ ra sao? ảnh 3
Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2

Chung cư Nam Phan ở phường Phú Hữu với hàng trăm căn hộ giá rẻ là một nỗ lực đáng ghi nhận. Chung cư Trường Thọ do Công ty cổ phần Chương Dương thực hiện đã ít nhiều mang lại cơ hội định cư cho nhiều gia đình. Nhà ở xã hội tại Khu chế xuất Linh Trung 2 với 360 chỗ ở hay nhà cho thuê tại phường Thạnh Mỹ Lợi là những dự án hướng đến công nhân và người thu nhập thấp.

Thế nhưng, số lượng căn hộ này vẫn quá ít so với nhu cầu để đáp ứng cho hàng chục ngàn người dân; đặc biệt, là công nhân tại các khu công nghiệp vẫn đang mong mỏi chờ cơ hội thuê hoặc mua căn hộ giá rẻ.

Những gam màu buồn

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân – chuyên gia kinh tế phân tích, dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng sau bốn năm lên thành phố, hạ tầng đô thị của TP.Thủ Đức vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy. Một số công trình trọng điểm như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hay cầu Rạch Chiếc đã được triển khai và hoàn thành, nhưng tiến độ của nhiều dự án khác vẫn còn chậm.

Các công trình hạ tầng vùng ven Thủ Đức vẫn còn thiếu và phát triển chưa đồng bộ để kết nối với khu trung tâm. Giao thông tại nhiều khu vực vẫn còn tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, đặc biệt ở các tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp và cảng Cát Lái. Hơn hết, “đặc sản” tại TP.Thủ Đức được nhiều người biết đến là ngập nặng sau những cơn mưa lớn.

Ông Nhân cho rằng, một trong những điểm chưa hợp lý lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng giữa các khu vực của TP. Thủ Đức. Trong khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc quận 2 cũ) được đầu tư với các công trình như Cầu Thủ Thiêm 2, hầm Thủ Thiêm hay đường Mai Chí Thọ, các khu vực xa trung tâm như phường Linh Trung, Linh Chiểu (quận Thủ Đức cũ) hay Phú Hữu, Cát Lái (quận 9 cũ) vẫn thiếu các công trình hạ tầng giao thông, y tế và giáo dục.

Hạ tầng TP.Thủ Đức bây giờ ra sao? ảnh 4

Khu nhà giàu Thảo Điền ngập nước sau cơn mưa chiều 4/6/2025.

Tiến độ triển khai các công trình trọng điểm cũng là một vấn đề. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dù được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho giao thông Thủ Đức nhưng người dân vẫn còn dè dặt khi lựa chọn phương tiện này. Giao thông là “huyết mạch” cho phát triển đô thị, tuy nhiên, các tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp và cảng Cát Lái, như đường Nguyễn Thị Định hay Lê Văn Việt, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đánh giá, sự kết nối hạ tầng giữa các phường trong TP.Thủ Đức còn hạn chế. Các khu vực như phường Long Phước hay Tăng Nhơn Phú vẫn thiếu những tuyến đường liên kết trực tiếp với trung tâm Thủ Thiêm hoặc các khu công nghệ cao.

Dân số Thủ Đức tăng nhanh do sự phát triển của các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội lại chưa theo kịp nhu cầu. Dù các dự án như chung cư Nam Phan (phường Phú Hữu), chung cư Trường Thọ hay nhà ở xã hội cho công nhân tại Thạnh Mỹ Lợi đã được triển khai, số lượng căn hộ vẫn quá ít so với hàng ngàn người dân và công nhân đang chờ đợi. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà còn làm giảm sức hấp dẫn của Thủ Đức đối với lực lượng lao động chất lượng cao.

Ông Nhân nhận định, một điểm chưa hợp lý khác trong sự phát triển chung của TP.Thủ Đức là việc quy hoạch thiếu sự đồng bộ. Trong khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đầu tư “chuẩn mực” với các công trình hiện đại nhưng vùng ven của TP.Thủ Đức vẫn còn hoang sơ với quy hoạch lạc hậu. Các dự án lớn như khu công nghệ cao hay khu đô thị đại học thiếu sự kết nối với các khu dân cư lân cận...

Bài 2: Người dân khốn khổ chống đỡ ngập nước quanh chợ Thủ Đức

TIN LIÊN QUAN
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.