Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng chính sách của Chính phủ là sẽ hỗ trợ cho các chủ kho đông lạnh 70% giá trị tài sản tiêu hủy. Tuy nhiên các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh không chấp nhận và chưa đồng tình, nên hiện tại số lượng cá bị nhiễm kim loại nặng chưa thể tiêu hủy.
Ông Hùng cho biết, “Các hộ kinh doanh kho đông lạnh muốn được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị tài sản thì họ mới đồng ý tiêu hủy, vì thế việc tiêu hủy đang bị vướng mắc, chưa đi đến thống nhất”.
Theo đó, trong hai tháng 9 và 10/2016, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cá tại các kho đông lạnh trên địa bàn tỉnh sau sự cố môi trường biển. Kết quả có hơn 300 tấn cá bị nhiễm chất độc kim loại nặng như phenol, cadimi... vượt ngưỡng mức cho phép. Vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành niêm phong vào ngày 30 và 31/10 để chờ xử lý.
Hiện hơn 300 tấn cá bị nhiễm độc tại các kho đông lạnh của những cơ sở kinh doanh thu mua, lưu trữ ở huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh. Các loại cá bị nhiễm chất độc bao gồm cá đốm, nục bông, trầy, suôn xanh...
Cung theo ông Hùng, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang lập dự thảo góp ý gửi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, xin ý kiến chỉ đạo và phương án tháo gỡ vướng mắc nhằm thống nhất chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, sau đó tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Theo VNM - PL.XH