Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động một cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên vào đầu tuần này. Chương trình năm nay bao gồm 48 sự kiện huấn luyện thực địa, tăng từ hơn 30 sự kiện vào năm 2023.
Hai bên đã khôi phục các cuộc tập trận thực địa quy mô lớn lần đầu tiên sau 4 năm kể từ năm 2022, như một phần trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đàm phán với người đồng cấp Mỹ Joe Biden để củng cố thêm liên minh - cách tiếp cận mà ông dự kiến sẽ duy trì nếu bà Harris giành chiến thắng vào tháng 11.
Các lực lượng của hai bên đã tổ chức một cuộc tập trận trên sa bàn từ ngày 30/7 đến ngày 1/8, mô phỏng một kịch bản hạt nhân liên quan đến Triều Tiên. Hai bên đã xem xét các cách tăng cường "răn đe mở rộng" bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ và vũ khí thông thường của Hàn Quốc.
Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ chi phí đóng quân của Mỹ tại Hàn Quốc cũng đang được đẩy mạnh. Hai bên cần đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2025.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Hàn Quốc tin rằng phần chia sẻ của mình nên được đặt ở "mức hợp lý".
Đối với các cuộc đàm phán gần đây nhất, vào năm 2019, Mỹ dưới thời ông Trump đã muốn tăng gấp 5 lần phần chia sẻ của Hàn Quốc so với năm trước. Với việc ông Trump tiếp tục đưa ra lời kêu gọi trong nước rằng Hàn Quốc không làm tròn trách nhiệm, chính quyền Seoul có thể đặt mục tiêu đạt được một khuôn khổ cho một thỏa thuận trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau.
Đồng thời, Hàn Quốc đang bắn tín hiệu nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Tổng thống Yoon gần đây đã đề xuất tạo ra một cuộc đối thoại cấp độ làm việc với chính quyền Bình Nhưỡng.
Liên tục nhắc đến "nước Cộng hòa Triều Tiên thống nhất" trong một bài phát biểu gần đây, ông Yoon đã sử dụng tên chính thức của Hàn Quốc để ám chỉ tầm nhìn của ông về việc thống nhất hai miền.
Những phát biểu này được coi là một thông điệp tiềm tàng rằng phía Seoul sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Washington và Bình Nhưỡng dưới thời tổng thống mới của Mỹ.
Triều Tiên cũng có vẻ đang cân nhắc các lựa chọn của mình.
Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao nước này gọi cuộc tập trận tại Bán đảo Triều Tiên là "cuộc tập trận chiến tranh khiêu khích và gây hấn nhất trên thế giới".
Việc tăng cường năng lực phòng thủ của Triều Tiên là "yêu cầu cấp bách" trong bối cảnh thời cuộc hiện nay, hãng thông tấn KCNA dẫn lại tuyên bố.
Triều Tiên đã tăng cường hợp tác quân sự với Nga trong năm qua bằng cách ký một thỏa thuận hồi tháng 6 với điều jkhoarn cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công.
Chính quyền Bình Nhưỡng dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và các đối thủ khác của Mỹ nếu bà Harris thắng cử.
Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng tỏ ý muốn hợp tác với Mỹ, trong bài phát biểu ngày 4/8 rằng đất nước của ông có quyền sở hữu một lực lượng quân sự hùng mạnh "cho dù tham gia đàm phán hay đối đầu".
Sau khi Trump giành được đề cử của Đảng Cộng hòa vào tháng 7, KCNA đã đăng một bài xã luận nói rằng việc đếm ngược đến cuộc đối đầu với Triều Tiên có dừng lại hay không là tùy thuộc vào Mỹ.
Ông Trump từng nói về mối quan hệ của mình với nhà lãnh đạo Kim, và Triều Tiên có thể hiểu việc Trump trở lại Nhà Trắng sẽ mở đường cho một cuộc đối thoại sâu hơn với Washington.
Triển vọng hợp tác với Mỹ có thể khiến Triều Tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với Nga và Trung Quốc, điều này sẽ củng cố vị thế đàm phán của nước này. Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy việc đình chỉ các cuộc tập trận của Mỹ với Hàn Quốc và đảm bảo quyền tự vệ của Triều Tiên, bao gồm cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân.